Di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Kim Long
Tam long, Kim Long, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 45 phút
- Giới thiệu
- Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử quan trọng, khẳng định tinh thần, ý chí chiến đấu dũng mạnh, quật cường của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Kim Long được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng theo QĐ số: 961QĐ/BT ngày 20/07/1994 - Bộ Văn hóa Thông tin.
Từ trung tâm thị trấn Ngãi Giao, xuôi theo Quốc lộ 56 theo hướng bắc khoảng hơn 8 km, nhìn phía tay phải sẽ thấy bảng chỉ dẫn vào khu địa đạo Kim Long. Di tích Địa đạo Kim Long nằm ở thôn Tam Long, xã Kim Long. Địa đạo Kim Long sẽ đưa những người đến đây trở về với những năm tháng gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc. Dù có thể đã nghe nhiều về địa đạo, nhưng phải đến tận nơi, mắt thấy tai nghe mới cảm nhận được sự độc đáo, thú vị của vùng đất kiên trung này.
Đối sánh với Đài tưởng niệm Trung đoàn 4 anh hùng khoảng vài trăm mét là khu Địa đạo Kim Long. Đường vào khu di tích từ Quốc lộ 56 khoảng 2km, đường đi còn hơi ngoằn ngoèo, khó khăn nhưng không gây cảm giác khó chịu bởi hai bên đường là nhà dân sống xen lẫn với vườn cây hoa màu như tiêu, mít, xoài, cây hạt điều, bắp… Tùy mùa nào thức nấy, có khi có cả một vườn bắp rộng với những trái bắp già căng mọng mà người chủ để cho già, hay những trái mít chín thơm lừng, mùi dịu nhẹ của hoa điều… Vào đến khu Địa đạo Kim Long, một cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng lan tỏa bởi bóng mát của vườn điều, bởi màu xanh tươi của rêu phong bám kín trên những ụ, những đường của địa đạo. Dạo một vòng trong khu vườn, những lá vàng nhẹ rụng khi cơn gió thoảng qua, hương thơm thoang thoảng từ một vài bông hoa điều nở sớm đâu đó, tiếng chó sủa vang chào đón người lạ đến đây… tất cả tạo nên một không gian yên ấm, dù khách phương xa biết rằng nơi đây từng xảy ra những cuộc chiến đẫm máu của quân và dân ta với quân Mỹ xâm lược, khu vườn thoáng đãng này từng chịu biết bao nhiêu bom đạn của quân thù dội xuống…
Tấm bia khắc ghi công trạng, ý nghĩa lịch sử đứng sừng sững dưới một cây điều to lớn, lâu năm. Tấm bia có cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh với nội dung:
“Địa đạo Kim Long được xây dựng từ năm 1962 đến năm 1964, có chiều dài 2000 mét cách mặt đất 5 mét, lòng rộng 0,8 mét, có nhiều ngách trú ẩn và 12 miệng lên xuống, đầu địa đạo đắp 3 ụ chiến đấu nối cách nhau theo hình tam giác mỗi cạnh 10 mét, xung quanh có lỗ châu mai từ ụ chiến đấu thông với bên ngoài là hào công sự sâu 1,2 mét.
Từ năm 1962 đến năm 1966, lực lượng du kích dựa vào địa đạo và địa hình đánh trả, chặn đứng nhiều cuộc càn quét quy mô lớn, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề tại khu vực lòng chảo Kim Long, bảo vệ giữ vững cơ sở cách mạng, củng cố và phát triển lực lượng du kích…
Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử khẳng định tinh thần, ý chí chiến đấu dũng cảm ngoan cường một lòng theo Đảng, Bác Hồ của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc”
Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử quan trọng, khẳng định tinh thần, ý chí chiến đấu dũng mạnh, quật cường của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cách mạng tại quyết định số 961/VH - QĐ, ngày 20/7/1994. Địa đạo là niềm tự hào cũng là nơi ghi dấu những mất mát đau thương của quân và dân ta nơi Châu Đức. Nhiều người từng tham gia, từng chứng kiến trận đánh lịch sử tại lòng chảo Kim Long vào đêm tập kích 18-6-1967 nay gần như đã khuất. Những trang tư liệu về trận đánh lịch sử này khó mà sưu tầm đầy đủ được, chỉ còn biết qua những câu chuyện kể của những cựu chiến binh, những người dân nghe người trước kể lại.
Tại mảnh đất này, ngày trước là cả một hệ thống hầm hào công sự phía dưới, ở trên là vườn chuối, cà phê, một hệ thống địa đạo ngầm sâu dưới đất 5m chạy quanh co gần 2km, độ sâu trung bình 1,8m, được khoét kiểu tam giác. Phía đầu địa điểm rẫy ông Năm Be địa đạo được đắp 3 ụ chiến đấu lồi hình tam giác, mỗi ụ cách nhau khoảng 10m, 3 ụ hình tròn xung quanh có 3 lỗ châu mai liên hoàn với nhau…Phía trong địa đạo có rãnh sâu hơn để thoát nước vào mùa mưa. Phía trên dọc theo địa đạo có 12 cửa hầm lên xuống cách nhau 20 m, nắp hầm làm theo kiểu hình thang cân đổ đầy đất vào trong và lắp vào đất địa đạo, ở trên trồng cỏ để hòa vào đất nương rẫy…Có nơi hội họp, phòng y tế và nơi để vũ khí, dự trữ lương thực… có hai nắp hầm tỏa ra hai hướng để anh em rút gọn, an toàn đi nơi khác.
Theo Hương Mai trong “Kim Long - một thời đánh Mỹ”, trong trận chiến lịch sử ở Địa đạo Kim Long, có rất nhiều quân và dân ta tham gia, đã đánh một trận rất ác liệt và cũng rất xuất sắc khiến cho bọn Mỹ phải thất bại thảm hại, mất đi một tiểu đoàn viễn chinh, hàng chục chiếc xe tăng. Nhiều chiến sĩ quân giải phóng bị thương, lạc đơn vị đã được người dân Kim Long cứu sống. “Đêm bộ đội nổ súng đánh Kim Long, pháo địch từ Bà Rịa, Núi Đất, Suối Râm bắn quá trời. Sáng ra máy bay trực thăng quần kín vùng trời Kim Long. Anh Hai Bất (Bí thư) tập hợp anh chị em giao nhiệm vụ cho mọi người phải tìm mọi cách lọt vào khu vực lòng chảo, tìm kiếm xem bộ đội có ai bị thương chưa ra được thì đưa về xã. Y tá Nguyễn Thị Phương (em ruột anh Hai Bất) lúc nào cũng ở bên thương binh, tận tình cứu chữa”. Những tháng ngày hào hùng, thắm tình quân dân ấy hiện lên qua lời kể hồn hậu của những người dân Kim Long với những cái tên thân thương: Phan Thị Mai (người phụ nữ mang thai đi cứu thương binh năm ấy), chú Ba Đỏ, má Năm Thiệt, má Ba Diệm, má Ba Ý, chị Bảy Phượng ý tá, thương binh Huỳnh Ngọc Hoa…
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Địa đạo Kim Long là căn cứ hậu phương vững chắc, góp phần rất lớn trong chiến thắng Bình Giã lẫy lừng năm 1964. Có chui xuống một đoạn đường hầm mới hiểu được, cảm được vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé lại có thể chiến thắng một kẻ thù giàu có và lớn mạnh như thế.
“Đây được xem là công trình sáng tạo và kế thừa hình thức chiến tranh nhân dân của quân và dân địa phương trong suốt thời gian kháng chiến. Với chiều dài 2 km, xuyên qua nhà dân, vườn cây ăn trái với 12 cửa lên xuống, Địa đạo Kim Long trong thời kỳ kháng chiến có đầy đủ công sự chiến đấu, phòng họp, phòng cứu thương, trạm y tế, kho lương thực, kho vũ khí, giếng nước…”
Nằm trong quần thể di tích lịch sử cách mạng của huyện Châu Đức gồm Di tích lịch sử Bàu Sen, tượng đài chiến thắng Bình Giã, Đài tưởng niệm Trung đoàn 4 anh hùng, Khu di tích lịch sử cách mạng -Trung đoàn 33, Địa đạo Kim Long cũng đóng góp to lớn cho thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, giữ gìn non sông đất nước. Với giá trị và tầm vóc chiến công to lớn được đúc kết bằng xương bằng máu, bằng công sức của quân và dân, vì vậy Địa đạo Kim Long được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo QĐ số: 961QĐ/BT ngày 20/07/1994 - Bộ Văn hóa Thông tin.
Với ý nghĩa to lớn đó, ngày nay địa đạo Kim Long không chỉ thu hút mọi người bởi lịch sử của nó bằng những tour du lịch về nguồn, nơi đây còn thu hút du khách bởi không gian thoáng đãng của vườn cây, bởi người dân hồn hậu, chất phác.
Để khu Địa đạo Kim Long có thể thu hút du khách nhiều hơn nữa, chính quyền địa phương các cấp nơi đây cần quan tâm và biết kết hợp với các sở ban ngành mở rộng các loại hình du lịch, các thế mạnh vốn có ở nơi đây. Cần cải tạo, phục hồi lại những đoạn địa đạo đã bị xuống cấp. Hiện tại địa đạo chỉ còn một đường hào chiến đấu dài khoảng 27-28 mét, 3 ụ chiến đấu và đường địa đạo dài trên dưới 130 mét. Đường xuống miệng địa đạo cũng như đường hào nhiều lá cây, cành khô của vườn cây rụng xuống, thậm chí có rác do mưa kéo vào. Trên mặt đất, đường đi lối lại không được dọn dẹp, nhếch nhác; một vài hộ dân sống trong vùng địa đạo lộn xộn, chưa được quy hoạch cụ thể. Nhà dừng chân đón tiếp khách xuống cấp, chỉ trơ trọi có một bộ bàn ghế đá (2 chiếc bàn, 4 chiếc ghế), phòng bảo vệ cũng xuống cấp, đóng cửa; nhà vệ sinh hư hỏng, khóa trái cửa. Điều này khiến cho nơi đây chưa thật sự xứng tầm là một di tích lịch sử cấp Quốc gia; chưa xứng đáng với những gì mà quân và dân Kim Long đã đổ xương và máu trong thời kỳ chống giặc.
Khắc phục được một số nhược điểm ấy, kết hợp với một số loại hình du lịch khác dựa vào thế mạnh của vùng như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm lịch sử qua phục dựng… chắc chắn Địa đạo Kim Long sẽ là điểm đến thú vị, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Giờ đây, những ngôi nhà ngói đỏ, những vườn cây xanh mướt, trĩu quả đã dần che đi những màu sắc khắc nghiệt của thời chiến, nhưng âm vang hào khí hào hùng một thời của địa đạo Kim Long vẫn còn mãi trong ký ức những người dân nơi đây, trên từng ụ, đường hầm đầy rêu xanh phủ bám…
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.