Skip to content

Di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh tại Vũng Tàu

83XF+676, Quang Trung, Phường 1, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
30 phút
Giới thiệu
Nhà truyền thống cách mạng thành phố Vũng Tàu (số 1 Ba Cu, phường 1), trước đây là trụ sở Ủy ban Việt Minh tại Vũng Tàu. Trải qua các thời kỳ chiến tranh khốc liệt, đến nay, trụ sở Ủy ban Việt Minh vẫn còn vẹn nguyên đó như một minh chứng hùng hồn của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

Nhân dân Vũng Tàu cùng người dân cả nước Việt Nam đã trường kỳ kháng chiến và đã oanh liệt chấm dứt ách thống trị trăm năm của thực dân Pháp, nhưng người Việt rất rành mạch rõ ràng, người Việt chống thực dân Pháp nhưng không chối bỏ văn hóa Pháp. Ngoài các yếu tố thuộc văn hóa tinh thần như chữ viết, văn học, nghệ thuật thì yếu tố thuộc văn hóa vật chất - như những tòa nhà do người Pháp xây dựng, với lối kiến trúc nghệ thuật đẹp vẫn được trân trọng đến hôm nay và xem sự hiện tồn đó như một di sản, đánh một dấu mốc lịch sử đã đi qua. Và thành phố Vũng Tàu vốn đã từng là nơi nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp, vì vậy không ngạc nhiên khi ở Vũng Tàu có rất nhiều biệt thự, nhiều ngôi nhà được xây dựng theo phong cách Châu Âu.

Còn tồn tại đến nay là hơn 20 công trình kiến trúc kiểu Pháp dạng biệt thự “PO” (Pavillon des offíciers) đã bước qua tuổi 100. Đó là các công trình được xây dựng từ năm 1898 đến 1913, nay là các tòa nhà di tích lịch sử Bạch Dinh (đường Trần Phú), Thư viện, trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân (đường Lý Thường Kiệt), Trung tâm Văn hoá tỉnh (cũ), trụ sở Công an phường 1, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị (đường Trần Hưng Đạo),...; và chúng tôi đang muốn nhắc đến Nhà truyền thống Cách mạng Vũng Tàu nay là Dinh Quan Năm Pháp xưa, một ngôi biệt thự có kiến trúc đẹp còn tồn tại. Đây là ngôi biệt thự được xây cất đồ sộ, rộng 6580 m2, diện tích sàn xây dựng của khu nhà chính là 777 m2 và khu nhà phụ là 140 m2. Đây là một công trình được thiết kế theo dáng kiến trúc công sở thời Pháp: nhà 2 tầng, bậc thềm cao, có hành lang thoáng rộng, cửa sổ bốn phía và có trần vôi rơm cách nhiệt., trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Ngôi biệt thự nằm sát Bãi Trước, lại có bậc thềm cao và cửa sổ bốn phía nên lúc nào cũng đón được gió biển mát rượi. Trong khu biệt thự trước đây có Văn phòng tham mưu trực thuộc gọi là Etat Major, là nơi thường xuyên làm việc của các sĩ quan Pháp.

Đến năm 1945, cùng với những biến động lịch sử của toàn Đông Dương, số phận Dinh Quan Năm Pháp bắt đầu thay đổi, ngôi biệt thự bắt đầu có những chủ nhân mới.

Sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, ngày 23/8/1945, Chi bộ Đảng của tỉnh Bà Rịa đã quyết định sử dụng lực lượng Thanh niên Tiền phong, huy động đồng bào tất cả các xã trong tỉnh dù trang bị vũ khí thô sơ cũng nổi dậy giành chính quyền.

Rạng sáng ngày 25/8/1945, nhân dân Vũng Tàu kéo về trung tâm tỉnh lỵ. Lực lượng thanh niên xung kích canh gác bảo vệ lễ đài, án ngữ các ngả đường vào tỉnh lỵ. Sau bài diễn văn hùng hồn của Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, thay mặt cho Uỷ ban khởi nghĩa tuyên bố nền độc lập, Tỉnh trưởng Lê Thành Long đã xin từ chức, trao lại chính quyền cho nhân dân. Thiếu tướng Quillikini, phụ trách chỉ huy quân sự lúc đó cùng toàn bộ sĩ quan Pháp dưới quyền từng sống và làm việc tại Dinh Quan năm Pháp bị giải về Sài Gòn. Từ đó, Dinh Quan Năm Pháp chính thức trở thành trụ sở của Ủy ban Việt Minh thị xã Vũng Tàu.

Ủy ban Việt Minh là nơi đặt thùng phiếu bầu cử Quốc hội khóa I, ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa I được tổ chức thành công ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ủy Ban mặt trận Việt Minh tỉnh đã huy động tất cả các tầng lớp nhân dân đi bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nó là một ngày hội lớn biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ đất nước của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Ủy ban Việt Minh có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt đối với tiến trình cách mạng của địa phương. Trong những ngày chính quyền cách mạng mới thành lập, đối diện với hoàn cảnh rất riêng của Vũng Tàu, vừa là nơi trọng yếu về mặt quân sự, vừa là nơi tập trung đông đảo một lực lượng lao động gồm công nhân và lao động dịch vụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu vốn là những người phải chịu sự bóc lột và áp bức trực tiếp của các chủ tư bản Pháp, nên chất chứa tinh thần phản kháng thực dân rất cao, sớm giác ngộ cách mạng, rất tích cực đón nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Và Ủy ban Việt Minh đã là người lãnh đạo, tổ chức cho nhân dân Vũng Tàu gìn giữ chính quyền, xây dựng được những cơ sở vật chất và tinh thần của một chế độ mới, cùng nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Ngày 9/02/1946, Pháp trở lại tái chiếm Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh vô cùng anh dũng đã cổ vũ cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời kỳ này.

Trong những ngày khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu gồm các ông Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam, Nguyễn Bảo, Lê Đình Y, Bùi Cửu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng đã làm việc đêm ngày tại trụ sở. Lực lượng bảo vệ trung đội Cảm tử quân cũng đóng quân tại đây. Đội Cảm tử quân tiền thân là lực lượng Thanh niên Tiền phong với hàng ngàn hội viên, tự trang bị vũ khí cùng hàng trăm khẩu súng, lựu đạn, đã là lực lượng chính, sát cánh cùng quần chúng nhân dân trong cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Vũng Tàu. Cảm tử quân cũng là người anh cả của Lực lượng vũ trang Vũng Tàu sau này.

Dinh Quan Năm Pháp từ khi trở thành trụ sở của Ủy ban Việt Minh đã đóng góp rất lớn về mặt cơ sở vật chất cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của người dân Vũng Tàu.

Sau ngày 30/4/1975, di tích trụ sở Việt Minh được chuyển đổi công năng phục vụ cho cuộc sống hòa bình, không còn liên quan đến quân đội và súng đạn mà chuyển sang vui chơi, tận hưởng cuộc sống. Tòa nhà được Công ty du lịch Đồng Nai và Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí OSC trực tiếp quản lý để kinh doanh du lịch, được trang bị máy điều hòa nhiệt độ, xây thêm một phòng trên tầng lầu, cải tạo mặt bằng ngoại thất, thêm nhà trệt phía sau và có thêm một số trò vui chơi giải trí. Sau đó, ngôi biệt thự trở thành Câu lạc bộ Thanh Niên trực thuộc khách sạn Thắng Lợi và khu du lịch Lam Sơn...

Năm 1991, trụ sở Ủy ban Việt Minh được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đổi tên thành Nhà truyền thống cách mạng thành phố Vũng Tàu.

Nhà truyền thống cách mạng thành phố Vũng Tàu là trụ sở của Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao thành phố Vũng Tàu. Bên trong hai tầng nhà truyền thống được sử dụng làm thư viện, nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức hội họp. Phía tầng lầu là phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử.

Có một thời kỳ, có lẽ do đời sống kinh tế chật vật, khó khăn, tòa nhà bị rơi vào quên lãng, cùng số phận với một số các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước. Hình ảnh các biệt thự cổ thời Pháp bị hư hỏng, mối, mọt, cong vênh, lan can và ô văng thấm nước, mái ngói rơi rụng, lỗ chỗ, bị thấm, dột khi trời mưa. đã từng là những hình ảnh rất quen thuộc, đầy xót xa.

Tháng 10/2013 hoạt động thư viện trong tòa nhà được chuyển về số 91 Lý Thường Kiệt, Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Vũng Tàu tiến hành các thủ tục trùng tu tòa biệt thự cổ.

Ngày 16/11/2016 công trình được khởi công sửa chữa, đến ngày 4/5/2017 thì hoàn thành và ngày nay đã là một tòa nhà đẹp lộng lẫy bên Bãi Trước Vũng Tàu, xứng đáng với tầm vóc vốn có của nó ngày nào. Nhà truyền thống cách mạng thành phố Vũng Tàu đã tôn thêm vẻ đẹp của thành phố biển và là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của thành phố. Trong lần hồi sinh này, nét đẹp và công năng của tòa dinh thự được sẻ chia cho rộng rãi cộng đồng chứ không phải chỉ dành riêng cho một thành phần nhỏ tầng lớp quan lại như thời mới khai sinh.

Nhà truyền thống cách mạng thành phố Vũng Tàu vừa là một công trình kiến trúc cổ quý giá, vừa là những dấu tích về quá trình phát triển của Đảng bộ Việt Minh thành phố Vũng Tàu; cuộc đời của nó gắn liền với những thăng trầm của thành phố. Di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh là một di tích mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt sâu sắc đối với tiến trình cách mạng ở Vũng Tàu. Câu chuyện về một tòa nhà cũng là câu chuyện về một phần lịch sử của Vũng Tàu, lồng trong bối cảnh lịch sử chung của đất nước mà thế hệ trước cần gìn giữ cho thế hệ sau tiếp nối.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.