Skip to content

Di tích lịch sử Khu căn cứ cách mạng Núi Dinh

Tân Hoà, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
1 giờ
Giới thiệu
Khu căn cứ cách mạng Núi Dinh nằm kề quốc lộ 51 thuộc địa phận thành phố Bà Rịa và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây là cơ sở cách mạng an toàn đã che chở cho các đơn vị trực thuộc chiến trường Đông Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Căn cứ Núi Dinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia ngày 16/12/1993 với quyết định số: 2015VH/QĐ.

Khu căn cứ cách mạng Núi Dinh nằm kề quốc lộ 51, thuộc địa phận thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ, là di tích lịch sử cách mạng độc đáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Núi Dinh chạy hình vòng cung theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, đỉnh cao nhất là núi Ông Trịnh 504m, phần còn lại thoải dần về hai phía. Nơi đây là cơ sở cách mạng an toàn đã che chở cho các đơn vị trực thuộc chiến trường Đông Nam Bộ. Trải dài trên một diện tích rộng lớn, địa hình phức tạp, hiện trạng cảnh quan di tích không có sự thay đổi nhiều. Với cảnh trí đẹp, rừng núi hoang sơ, có nhiều hang động, đá lớn, các bậc tam cấp phủ rêu xanh, giao thông khá thuận tiện nên từ đầu thế kỷ XX, một số chùa chiền được xây dựng trên các sườn núi. Các hang động vách núi đá thiên nhiên, địa hình xưa kia tận dụng làm căn cứ, cảnh quan vẫn còn khá nguyên vẹn, không có sự xâm hại bởi yếu tố con người.

Núi Dinh là rừng nguyên sinh, nhiều suối chảy xuống, có thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, phong phú gồm nhiều loại gỗ hiếm: dầu, sao, bằng lăng, cẩm lai, sơn trà, chiêu liên, châm sừng, săng trắng, sến, gõ… Dưới tán rừng già là nơi cư trú của các loài động vật: hổ, khỉ, nai, dọc, gấu, heo, hoẵng, sóc, chồn, cây hương, kỳ đà… và nhiều loại cây thuốc quý như cam thảo, hà thủ ô, sâm nam... Lợi dụng địa hình hiểm trở ở đây, lại có vị trí chiến lược, cuối năm 1952 Thị uỷ Bà Rịa đã bí mật chuyển căn cứ hoạt động từ rừng Sác, xã Long Sơn về Núi Dinh.

Căn cứ núi Dinh có địa hình phức tạp, diện tích rộng, dàn trải nên cho dù địch biết nhưng chúng khó có thể tìm được nơi hoạt động chính xác của lực lượng cách mạng. Có thể nói mỗi hốc đá, mỗi lùm cây, bờ suối đều có thể là nơi các cán bộ chiến sĩ lập nên những kỳ tích anh hùng. Chiến tranh đã qua đi nhưng những căn cứ cách mạng vẫn còn đó, là chứng tích của sự kiêu hùng, của gian lao, của hy sinh của biết bao cha anh đi trước và khiến người nghe bồi hồi xúc động khi được nhắc lại như: căn cứ Hang Tổ, căn cứ chùa Diệu Linh, căn cứ Hang Mai, căn cứ Bưng Lùng, căn cứ Hang Dơi…

Hang Tổ nằm ở độ cao 200m, có nhiều hang đá rộng và sâu; đủ chỗ chứa hàng trăm người. Hang có 2 ngách: một ngách ăn sâu vào sườn núi, một ngách phía trên. Nơi đây là điểm dừng chân của cán bộ chiến sĩ, là nơi cung cấp lương thực thực phẩm của Thị uỷ, Thị đội Bà Rịa. Năm 1968, Hang Tổ là nơi tập kết lực lượng của bộ đội tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trước lúc ra trận. Tại đây, bia di tích ghi rõ: “Hang Tổ là nơi dòng Lâm Tế Chánh Tông thờ Phật Tổ, là cơ sở cách mạng của thị xã Bà Rịa, phục vụ cho lực lượng cách mạng hoạt động kháng chiến tại căn cứ Núi Dinh”. Chùa Hang Tổ nổi bật giữa khu rừng với mái chùa lợp ngói xanh cong vút, tường sơn vàng, khuôn viên chùa sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều cây cối, hoa lá; chánh điện có bàn thờ xi măng đặt pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền trên đài sen. Đây trở thành một trong những địa điểm tham quan lịch sử cách mạng cũng như du lịch tâm linh trong quần thể khu du lịch Núi Dinh.

Căn cứ chùa Diệu Linh nằm trên độ cao 160m phía Tây Bắc núi Dinh là một không gian sinh thái tự nhiên tươi đẹp và cũng là căn cứ cách mạng đầy hào khí anh dũng. Chùa Diệu Linh từng là nơi hoạt động cách mạng, cung cấp lương thực thực phẩm của Thị ủy Bà Rịa trong những năm tháng chiến tranh từ năm 1972 đến năm 1975. Căn cứ trước đây có hai lán trại bằng lá trung quân, bàn ghế làm bằng cây và tre để làm việc, xung quanh được cán bộ ta đào nhiều hầm, có hai lối lên xuống, dưới có thể mắc võng để tránh bom và pháo. Trong thời kỳ chiến tranh, ngôi chùa đã từng bị bom đạn địch phá huỷ hoàn toàn chỉ còn lại chiếc tháp Tổ cao ba tầng. Đến khu di tích, du khách sẽ thấy một bia ghi: “Khu chùa Diệu Linh (19721975) nơi đây là căn cứ kháng chiến của thị ủy, thị đội và các cơ quan thị xã Bà Rịa. Tỉnh ủy mở lớp học tập, triển khai các nghị quyết của Đảng đến cơ sở, xây dựng phong trào phát động quần chúng nổi dậy giải phóng Bà Rịa ngày 27/4/1975”. Đây là một địa chỉ đỏ, thể hiện tinh thần cách mạng, yêu nước của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống giặc.

Căn cứ Hang Mai nằm ở độ cao 254m về phía Tây Bắc Núi Dinh, là một thung lũng khá rộng thoải dần về phía Bắc, có những con suối nhỏ chảy qua. Thiên nhiên ban tặng cho Hang Mai một vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ, xung quanh có khá nhiều cây cối, những thảm cỏ xanh tươi, hương thơm của hoa lá và tiếng ngân nga của chim rừng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hang Mai được các cán bô, chiến sĩ dùng làm nơi hoạt động cách mạng, bên ngoài Hang Mai có nhiều chùa và các cán bộ, chiến sĩ của ta thường nghỉ ngơi ở đây. Năm 1968, sau khi phát hiện đây là nơi tập kết của lực lượng ta, địch đã dùng bom huỷ diệt toàn hộ căn cứ. Chúng còn đưa quân lên phá sập miệng Hang Mai, những ngôi chùa lớn ở gần đó cũng bị phá hoại hoàn toàn. Ngày nay, ngôi chùa đã được tu bổ, xây dựng nhiều lần, nổi bật giữa núi rừng bao la bởi màu đỏ tươi của mái chùa cong vút, đã trở thành một điểm du lịch tâm linh trong hệ thống các di tích danh thắng tâm linh hấp dẫn du khách và Phật tử khắp nơi khi đến với vùng đất du lịch núi Dinh thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng. Trước cửa Hang Mai có tấm bia ghi: “Hang Mai - nơi đây là căn cứ Ban Thường vụ Thị ủy, Đội Biệt động thị xã Bà Rịa, cơ sở huấn luyện của thị xã và trạm đón tiếp cán bộ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, điểm đặt đài quan sát của tỉnh đội (1962 -1968). Nơi tỉnh ủy đứng chân chỉ đạo chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968”. Hàng năm khách tham quan thập phương đến tham quan du lịch, dâng hương cầu chúc bình an, hạnh phúc. Mọi người đến chùa Hang Mai không chỉ thể hiện đức tin, lòng thành kính đạo Phật mà còn hiểu thêm các giá trị tinh thần cách mạng của quân dân ta trong thời kỳ chiến tranh, bảo vệ tổ quốc.

Căn cứ Bưng Lùng là nơi xa nhất, nằm ẩn mình giữa hai đỉnh núi ông Trịnh và đỉnh Núi Dinh. Đây là khu căn cứ kháng chiến của thị ủy, thị đội, và các cơ quan thị xã Bà Rịa từ năm 1961 đến năm 1967; là nơi đào tạo các cán bộ, chiến sĩ biệt động Thành của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định trước khi về nội thành hoạt động. Nơi đây có rất nhiều cây Lùng (cây dong) nên có tên gọi là Bưng Lùng. Bưng Lùng có địa hình như một thung lũng khá bằng phẳng, bên các sườn dốc là bạt ngàn các cây cổ thụ, tán lá rộng sum xuê như sao, dầu, bằng lăng… tiện lợi cho việc trú ẩn, hoạt động cách mạng. Cán bộ và chiến sĩ ta làm nhà bằng gỗ, tre, mái lợp lá trung quân, xung quanh bao bọc bằng phên tre; có đào hầm tránh pháo, bom. Hiện nay di tích đã bị cỏ phủ lấp, đường xuống hầm đã bị sập. Đến nơi đây để thấy được những gian khổ, mất mát mà thế hệ cha anh đã hy sinh, để từ đó răn mình, cố gắng rèn luyện bản thân hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước, xứng đáng với tiền nhân.

Hang Dơi nằm phía Tây Nam núi Dinh ở độ cao 80m so với mặt nước biển, địa hình hiểm trở, hang chia làm hai ngách, ngách trên và ngách dưới, có nhiều dơi sinh sống nên gọi là Hang Dơi. Đây là một trong những địa điểm hoạt động của Thị uỷ, Thị đội Bà Rịa trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Để vào hang cần phải đi qua cánh rừng cây Giá Tỵ, đường đi khá dễ dàng. Miệng hang rộng và thoáng, hang được tạo nên do núi lửa trước kia phun nham thạch, sau khi núi lửa ngừng hoạt động tạo thành các hang sâu trên núi, vì thế Hang Dơi có cấu trúc địa lý khác biệt so với hang khác ở Núi Dinh là có thạch nhũ rủ xuống. Đi sâu vào trong hang nhìn thấy cành hình núi đá nham thạch trơn, không khí bên trong ẩm ướt tạo cảm giác mát lạnh, lối đi lại cũng rất khó khăn thích hợp cho giới trẻ muốn đi du lịch khám phá. Có một con đường ăn thông với hai ngách dẫn ra ngoài rừng dài 13m, ngách dưới có đặt pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát. Hiện nay Hang Dơi có một am nhỏ thờ Phật ở ngách trên. Hang Dơi vừa là điểm đến du lịch khám phá thiên nhiên lý thú vừa là địa chỉ của du lịch lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh.

Hiện nay, khu căn cứ lịch sử cách mạng Núi Dinh đang được chính quyền địa phương quan tâm và đẩy mạnh phát triển du lịch, vì vậy, đường đến căn cứ cách mạng Núi Dinh được dần tu sửa, khách du lịch có thể đi ô tô, xe máy đến tham quan, trải nghiệm. Không chỉ là khu lịch sử cách mạng, nhiều hang, vùng núi Dinh còn có nhiều ngôi chùa tọa lạc, thu hút nhiều Phật tử và khách hành hương cũng như du khách khắp nơi. Núi Dinh đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, lý tưởng cho khách tham quan trong và ngoài nước.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.