Di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Long Phước
Long Phước, Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 3
- Giới thiệu
- Địa đạo Long Phước là một chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Di tích LS-CM địa đạo Long Phước được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng theo QĐ số: 34/VH-QĐ ngày 09/01/1990 của bộ Văn hóa - Thông tin.
Địa đạo Long Phước nằm gọn trong địa phận xã Long Phước cách thành phố Bà Rịa khoảng 7 km hướng về phía Đông Bắc. Địa đạo Long Phước là một chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến tích ấy vẫn còn vang mãi trong câu hát: “Có những đoàn quân từ trong lòng đất Xông lên bạt vía quân thù. Xung quanh ta là trận địa.”
Và khi chui vào trong từng ngách địa đạo, ta mới hiểu rõ vì sao có một sức mạnh Việt Nam ẩn trong lòng đất. Sự hiện diện của địa đạo Long Phước là một bằng chứng sống động về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân miền Nam chống lại đế quốc Mỹ và tay sai, đó là: nghệ thuật xuất hiện bất ngờ, đánh nhanh rút gọn và để có được chiến công như thế phải kể đến những tuyến ngầm dưới lòng đất đã chuyển biết bao quân lương phục vụ cho những trận đánh lẫy lừng. Những người lính Mỹ sau những năm hoàn hồn đã trở lại Việt Nam và họ không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi được đặt chân xuống lòng địa đạo mà trước đây mỗi lần nhắc đến là mỗi lần khiếp sợ.
Tuy không quy mô như địa đạo Củ Chi nhưng địa đạo Long Phước được hình thành từ những năm 1948 - 1949 trên cơ sở công dụng của hầm bí mật. Long Phước là một xã trong vùng giải phóng nằm sát lộ 2 (nối liền Bà Rịa - Xuân Lộc) nhân dân có truyền thống yêu nước. Quân Pháp thường càn quét bắt bớ, bắn giết nhân dân, phá hoại mùa màng, trâu bò, đốt phá nhà cửa, vườn tược, gây nhiều thiệt hại cho đồng bào. Từ kinh nghiệm của gia đình Ông Năm Hồi đào hầm trú ẩn, cất giấu thóc gạo và tài sản, tránh được tổn thất trong các cuộc càn quét của địch, sáng kiến đào hầm trú ẩn rồi phát triển thành địa đạo đã được Quận ủy Long Điền phổ biến và phát động thành phong trào trong cả 4 ấp. Cuộc họp chi bộ vào đầu năm 1949 tại “Đập Nhờ”, 50 đảng viên của xã đã nhất trí cao với chủ trương phát triển hầm bí mật thành địa đạo, để không chỉ tự vệ mà còn phải chiến đấu với địch. Nghị quyết của chi bộ về phát triển hầm bí mật thành địa đạo được học tập sâu rộng trong các ban, ngành, đoàn thể, trong các xóm ấp, tạo được sự đồng tình ủng hộ trong nhân dân. Chi bộ phân công đảng viên xuống từng ấp phát động thực hiện kế hoạch. Địa đạo chia làm 5 cụm trong 5 ấp, nối liền nhau bởi đường xương sống, có nhiều nhánh được đào rộng làm kho dự trữ lương thực, vừa di chuyển vận động được trong địa đạo, vừa có các công sự chiến đấu trên miệng địa đạo đế đánh trả địch. Cụm chính được khởi công ở ấp Đông, bắt đầu từ nhà Ông Bảy Thử, nơi tập trung lực lượng cốt cán của xã, cụm ấp Nam từ nhà Ông Tư Theo, cụm ấp Tây từ nhà Bà Hai Tất, cụm ấp Bắc từ nhà ông Ba Rớ, cụm Phước Hữu từ nhà ông Đội Ngôn. Mỗi khi địch hành quân càn quét, có hiệu lệnh báo động là nhân dân rút lui an toàn, du kích và bộ đội dựa vào địa đạo đánh địch. Thực dân Pháp tập trung lực lượng từ tiểu khu Bà Rịa mở cuộc càn quét lớn vào ấp Đông Long Phước (10/1949), bộ đội Phan Đình Phùng với du kích xã, đã bám trụ vào địa đạo, vào công sự chiến đấu đánh trả quyết liệt cả ngày, đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công và gây cho địch nhiều thiệt hại. Du kích Long Phước đã bắn bị thương tên Đội Ngay ác ôn, chỉ huy một đội biệt kích OR. Đây là chiến thắng đầu tiên trên địa đạo Long Phước. Sau này, khi giặc Pháp đến đóng đồn tại xã Long Phước, việc đào địa đạo phải tạm ngưng lại, nhưng hệ thống địa đạo và 91 truyền thống chủ động sáng tạo, bám trụ đánh địch lâu dài của quân và dân Long Phước tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong kháng chiến chống Mỹ hệ thống địa đạo Long Phước được khôi phục từ tháng 04 năm 1963 và phát triển thành thế liên hòan vững chắc. Địa đạo được đào sâu xuống 06m, đường xương sống mở rộng 0,70 - 0,80m, cao từ 1,6 - 1,8m, có nhiều cửa ngăn và lỗ thông hơi, nhiều ụ chiến đấu. Khu địa đạo ấp Bắc dài tổng cộng 3,6 km, ấp Tây dài 2,5 km. Hai bên địa đạo có giao thông hào, công sự chiến đấu, hầm chông... là các bãi tử địa đối với quân giặc.
Qua 27 năm (1948 - 1975) hình thành và phát triển từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Long Phước là nơi bám trụ đánh địch kiên cường của lực lượng cách mạng, góp phần giữ vững căn cứ hoạt động của khu ủy và các cơ quan Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã. Dựa vào hệ thống địa đạo liên hoàn cùng với các ụ chiến đấu, quân và dân Huyện Long Phước đã sát cánh cùng bộ đội C.445 (Tỉnh) và C.20 (Huyện) chiến đấu giáng cho địch những đòn tổn thất nặng nề. Điển hình là trận chiến đấu 44 ngày đêm (Từ ngày 05/03 đến ngày 11/04/1963) chống địch càn quét vào Long Phước. Du kích xã và bộ đội địa phương đã gây cho địch nhiều thiệt hại, loại khỏi vòng chiến đấu 243 tên, phá hủy 12 xe M113. Từ 19 đến 25/03/1966 liên quân Mỹ - Úc và quân ngụy Sài Gòn có xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ đánh vào Long Phước nhằm phá hủy hệ thống địa đạo, tiêu diệt lực lượng cách mạng. Nhưng chúng đã bị thất bại trước sức chiến đấu kiên cường của lực lượng tỉnh, huyện và quân dân Long Phước. Địch chết và bị thương 800 tên, 6 xe quân sự bị phá hủy. Vùng giải phóng của ta được giữ vững và mở rộng. Tháng 02 năm 1974 nhờ khôi phục lại địa đạo, bố trí thành trận địa nên lực lượng ta tuy ít nhưng vẫn liên tục đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng dù chúng đông hơn gấp nhiều lần cả về trang bị vũ khí, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 04/1975.
Trải qua bao mưa bom, bão đạn hủy diệt của quân thù, địa đạo và quân dân Long Phước vẫn đứng vững kiên cường xứng danh vùng đất một thời đạn bom vẫn được xem như “núm sữa ” quan trọng nuôi dưỡng phong trào cách mạng Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Quyết định số 34/VHQĐ ngày 09 tháng 01 năm 1990 Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận Di tích lịch sử địa đạo Long Phước. Từ tháng 02 năm 1992 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định khởi công khôi phục và tôn tạo khu di tích địa đạo Long Phước mà giai đoạn đầu là cụm địa đạo ấp Bắc. Xây dựng phòng trưng bày lưu niệm di tích để giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nơi tham quan du lịch của khách trong nước và quốc tế.
Đến với địa đạo Long Phước là thăm lại chiến trường xưa. Những chứng tích và di vật lịch sử sẽ gợi lên trong tâm tưởng du khách nét độc đáo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Ta sẽ hiểu vì sao một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn lại đánh thắng những tên thực dân, đế quốc đầu sỏ mạnh hơn mình gấp bội. Hãy xuống lòng địa đạo để cảm nhận về những năm tháng hào hùng bám trụ đánh giặc của quan và dân Long Phước, nghe những âm vang chiến thắng còn dội trong lòng đất.
Với chủ trương “uống nước nhớ nguồn” chúng ta không thể để những di tích có một không hai đó bị vùi chôn, lãng quên. Trân trọng và giữ gìn những di tích lịch sử cách mạng như địa đạo Long Phước là để thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên được, đất nước mình đã có thời binh đao, đạn lửa như thế. Dân tộc mình đã chiến đấu và chiến thắng như thế. Biết bao sức người, sức của, biết bao con tim, khối óc sáng tạo của các lớp cha anh đã làm nên những kỳ tích oanh liệt như từng tấc địa đạo ở Long Phước mà mỗi tấc đất là một bất ngờ, một nỗi kinh hoàng khiếp sợ của kẻ thù. Đúng như lời bài hát năm xưa:
“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi cho con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.