Skip to content

Di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thắng Tam

77a Đ. Hoàng Hoa Thám, Phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vietnam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
1 giờ
Giới thiệu
"Đình Thần Thắng Tam được xây dựng từ thời vua Minh Mạng (1820-1840), Đình còn là nơi thờ các vị thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thượng Đẳng Thần - Cá Ông, Thiên Y A Na Diễm Ngọc Phi, Thủy Long Thần Nữ, Nam Hải Cửu Tộc Ngọc Lân, Thần Hoàng. Khu di tích Đình Thắng Tam (đình Thắng Tam, Lăng Cá Ông, Miếu Bà) được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa theo QĐ số: 457/QĐ, ngày 25/03/1991 Bộ VH Thông tin - Thể thao – Du Lịch."

Đây là một quần thể kiến trúc gồm Đình Thần Thắng Tam, Miếu Bà Ngũ Hành và Lăng Ông Nam Hải (cá Ông). Các kiến trúc gắn bó với nhau trong mối liên hệ tín ngưỡng của những người đi biển - ngư dân làng Thắng Tam.

Đình Thần Thắng Tam 

Đình Thần Thắng Tam được xây dựng từ thời vua Minh Mạng (1820-1840), Đình còn là nơi thờ các vị thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thượng Đẳng Thần - Cá Ông, Thiên Y A Na Diễm Ngọc Phi, Thủy Long Thần Nữ, Nam Hải Cửu Tộc Ngọc Lân, Thần Hoàng.

Đình Thần Thắng Tam ban đầu chỉ là nhà tranh vách lá. Năm 1835, mái được lợp ngói, sau đó còn được trùng tu nhiều lần. Năm 1965, Đình được trùng tu mới như hiện nay. Kiến trúc Đình Thần Thắng Tam có cổng Tam quan, nhà Tiền hiền, Hội trường, Ngôi Đình Trung, sân khấu võ ca được kiến trúc theo lối nối tiếp, gồm một dãy nhà gồm 4 ngôi nối liền nhau bằng một lối đi bên hông. Trong Đình bài trí nhiều đồ lễ, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Nét đặc sắc của ngôi đình là ngay trong khuôn viên đình có thờ một bộ xương cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ hơn 100 năm trước.

Hằng năm Đình Thần Thắng Tam đều có tổ chức lễ hội Kỳ yên / Cầu an trong 4 ngày, từ 17 đến 20 tháng 2 Âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá.

Những ngày hội Kỳ yên thật sự là những ngày vui cho dân làng và khách thập phương. Hãy đến để được hòa vào tiếng trống lân, trong tiếng trống chầu hát bội... rộn ràng huyên náo cả một vùng suốt mấy ngày đêm, để tham gia vào một hoạt động văn hoá đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét đẹp của ngư dân miền biển Vũng Tàu.

Miếu Bà

Miếu Bà, còn gọi miếu Ngũ Hành nằm phía bên trái Đình Thần Thắng Tam (tọa lạc tại mũi Nghinh Phong bãi sau). Miếu Bà được xây dựng vào năm 1832. Lúc đầu công trình chỉ là ngôi nhà tranh vách lá do ngư dân Thắng Tam dựng lên. Ngoài thờ Ngũ Hành, Miếu Bà còn thờ hai vị Hộ quốc được Vua phong Thượng Đẳng Thần là Bà Thiên Y A Na và Thủy Long Thần Nữ.

Hàng năm Miếu Bà tổ chức lễ hội ba ngày từ 16 đến 18 tháng 10 Âm lịch. Quản lý miếu và tổ chức lễ hội đều do phụ nữ phụ trách, ba bà cố vấn, sáu bà trong ban điều hành với 160 hội viên tất cả đều là nữ. 

Lễ hội Miếu Bà là những ngày sôi động và linh đình. Ngoài việc cúng tế thần linh người ta còn tổ chức múa lân, diễn các trò vui, ban đêm tổ chức hát tuồng, vừa dâng Thần xem, vừa phục vụ bà con bá tánh, vốn ngưỡng mộ sự linh thiêng của Miễu Bà mà khách thập phương trở về phụng cúng rất đông.

Lăng Cá Ông

Nằm ngay bên phải Đình Thần Thắng Tam. Lăng Cá Ông được xây dựng cùng thời với Miếu Bà, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XIX.

Lăng Cá Ông được kiến trúc theo lối cổ xưa. Bên trong bày ba tủ kính lớn đựng xương Cá Ông và tương xứng với nó là ba bàn thờ, hai bên tả, hữu có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc. Ngư dân Vũng Tàu quan niệm rằng mỗi khi có Cá Ông chết tấp vào bờ, người nào trông thấy đầu tiên thì được xem như con trưởng của Cá Ông. Khi làm lễ an táng cho Cá Ông, người đó phải chịu tang và thực hiện các nghi lễ tang ma như làm đám cho cha.      

Hiện nay trong lăng còn bảo tồn xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ hơn 150 năm trước.

Lăng Cá Ông Thắng Tam có tới ba sắc phong, hai đạo sắc do vua Thiệu Trị ban vào năm thứ năm (1845), một đạo sắc do vua Tự Đức ban vào năm thứ ba (1850). Hiện nay vào ngày 16/8 Âm Lịch, cứ ba năm một lần, những người quản lý Lăng được gọi là hội “Lương hữu Vạn Lạch” lại lấy một phần xương trong Lăng đem thờ trong ba tủ kính.

Lễ hội “Nam Hải Đại Tướng Quân” được tổ chức trùng với ngày vía (ngày mất) của cá ông, kéo dài trong 3 ngày từ 16 đến 18/8 âm lịch hằng năm, gồm có: Lễ cúng Ông, lễ Nghinh Ông - đón Cá, nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn trên biển.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.