Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh
M7H6+J5C, Bau Chinh, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Giới thiệu
- Cuối năm 2016, nhà văn hóa được đầu tư xây mới và được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2018. Với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh được xây dựng trên khuôn viên hơn 6.000m2, gồm các hạng mục: Nhà sàn truyền thống, kho lúa, thư viện, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, cầu lông, khu dụng cụ tập thể thao ngoài trời… đã phần nào đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân, đặc biệt là đồng bào Châu Ro.
Sáng sớm một ngày cuối tuần, nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh nhộn nhịp người dân đến tập luyện thể dục thể thao. Những người lớn tuổi cùng nhau đi bộ hoặc tập luyện với thiết bị thể dục ngoài trời, vừa tập luyện vừa trò chuyện rôm rả. Sau khi đi bộ 10 vòng quanh khuôn viên nhà văn hóa, bà Nguyễn Thị Mai (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) chuyển qua đạp xe trên thiết bị thể dục ngoài trời. "Từ ngày nhà văn hóa được xây mới khang trang, hiện đại, chúng tôi phấn khởi lắm. Trẻ con, người lớn đều thích đến đây vui chơi, giải trí, tập thể dục. Thỉnh thoảng, nhà văn hóa có chương trình văn nghệ, chúng tôi cũng rủ nhau đến xem, đông vui lắm", bà Mai cho hay.
Nhóm trẻ Trọng Phúc, Quốc Tuấn, Đức Minh và Anh Kiệt (9-10 tuổi) thì say sưa vui đùa với trái bóng nhựa. Trọng Phúc cho biết: "Nhà con cách đây khoảng 1km. Buổi chiều, con tự đạp xe ra đây chơi đá banh với các bạn. Ngày cuối tuần, tiện đường đi chợ sớm, mẹ chở con ra nhà văn hóa chơi rồi khi về thì đón con". Nói rồi, Phúc vội chạy lại tiếp tục đá bóng cùng các bạn. Lát sau, trẻ đến chơi bóng đông hơn, tiếng hò hét vui vẻ.
Cha con anh Nguyễn Văn Sáu, ở thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh cũng thường xuyên đến nhà văn hóa để rèn luyện. Sáng sớm, anh chạy bộ, đu xà đơn. Buổi chiều, anh chơi cầu lông cùng mấy người bạn trong khi con trai anh chơi đá banh hoặc bóng chuyền. "Trong giờ làm việc thì nhà văn hóa vắng vẻ, còn buổi sáng, buổi chiều rất đông vui. Nếu không chơi thể thao, trẻ con tới tập đạp xe, hoặc vào thư viện của nhà văn hóa đọc sách"- anh Sáu cho hay.
Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh (cũ) được xây dựng từ năm 2002, trong đó nhà rông làm bằng tre, nứa nên sau khoảng chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu khu vui chơi, khu tập luyện thể dục thể thao nên không thu hút được người dân đến sinh hoạt. Cuối năm 2016, nhà văn hóa được đầu tư xây mới và được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2018. Với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh được xây dựng trên khuôn viên hơn 6.000 m2, gồm các hạng mục: Nhà sàn truyền thống, kho lúa, thư viện, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, cầu lông, khu dụng cụ tập thể thao ngoài trời… đã phần nào đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân, đặc biệt là đồng bào Châu Ro.
Ông Đinh Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Châu Đức, Chủ nhiệm nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh cho biết, nhà văn hóa đang trưng bày một số bộ cồng chiêng, trang phục, gùi, nỏ, mẹt, nhạc cụ Goong Cla, kèn bầu, kèn lá, kèn tre… và một số hình ảnh sinh hoạt của đồng bào Châu Ro. Những hiện vật này giúp người dân hiểu thêm phần nào về cuộc sống, văn hóa của đồng bào Châu Ro. Ngoài ra, với cơ sở vật chất khang trang, phục vụ hoạt động vui chơi, luyện tập thể thao nên hàng ngày, nhà văn hóa thu hút rất đông bà con ở xã Bàu Chinh và một số xã lân cận, nhất là đồng bào Châu Ro. "Ngày thường, mỗi ngày nhà văn hóa thu hút 100-150 người đến sinh hoạt, giải trí. Những khi tổ chức hoạt động văn nghệ hoặc lễ hội, số người đến gấp 3-4 lần", ông Thành nói.
Theo ông Thành, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm làm phong phú đời sống của đồng bào, trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm nhà văn hóa phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh mở lớp dạy đọc và viết tiếng dân tộc Châu Ro; mở câu lạc bộ, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, làn điệu dân ca của đồng bào Châu Ro cho các em nhỏ để các em hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Đức cho biết, huyện Châu Đức hiện có hơn 900 hộ gia đình dân tộc Châu Ro, với 4.454 nhân khẩu, chiếm 2,99% tổng số dân toàn huyện. Đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống tập trung ở thị trấn Ngãi Giao, xã Đá Bạc, xã Bàu Chinh, xã Bình Ba. Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh thực sự là "ngôi nhà chung" của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Họ không chỉ đến nhà văn hóa vào các dịp cúng thần Rừng, thần Lúa mà còn đến để vui chơi, tập luyện thể dục thể thao, học đánh cồng chiêng, học các điệu múa, hát truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ủy ban nhân dân huyện còn có ý tưởng biến nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh thành điểm đến của các đoàn khách du lịch, của những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro trên địa bàn huyện.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.