Skip to content

Di tích Lịch sử văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật Tổ Đình Thiên Thai

Tam Phước, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Điện thoại liên hệ
0948810448
Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
30 phút
Giới thiệu
Chùa Thiên Thai tọa lạc trên diện tích tương đối rộng (6 hecta), được chia làm 4 khu vực chính đó là: chánh điện (Thiên Thai), Thạch Động, Thiên Khánh và Thiên Bửu Tháp (được xây dựng năm 1936). Tòa chánh điện hình tứ giác vuông, mỗi cạnh 15m. Mặt tiền của tòa chánh điện gồm năm gian, ở giữa có ba cửa ra vào xây theo lối cuốn vòm, tạo nên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng.

Nếu có dịp về Long Điền, chạy ngang qua cánh đồng lúa của xã Tam Phước, qua con đường hai bên cây xanh rợp lá, bình yên và mát mẻ sẽ dẫn du khách về với núi Dinh Cố - nơi đây có một cụm Di tích - Danh thắng nằm cạnh nhau dưới chân núi Dinh Cố, đó là: Tổ Đình Thiên Thai và Dinh Bà Cố.

Tổ đình Thiên Thai nằm dựa lưng vào núi Dinh Cố thuộc xã Tam Phước, huyện Long Điền. Chùa Thiên Thai còn gọi là Tổ Đình, tạo dựng từ năm 1925. Vì đây là nơi Sư tổ Huệ Đăng xướng lập Thiên Thai Thiền Giáo tông nổi tiếng nhất Nam Bộ và một tổ chức cư sĩ gọi là Thiện hữu hội. Người cho ra đời tờ báo Bát Nhã Âm là tờ ngôn luận chấn hưng Phật giáo. Tổ Đình Thiên Thai do Hòa thượng Huệ Đăng (1873 - 1953) là tổ thứ 41 thuộc phái Lâm Tế khai sơn, đã lấy tên Tổ Đình Thiên Thai để đặt tên cho ngôi chùa, xây dựng ngay mảnh đất mà trước đó từng là nơi tu hành trì niệm của Sư tổ. Theo tâm niệm của Người, việc duy trì Phật pháp không phải chỉ ở chỗ xây dựng chùa chiền, tô tượng đúc chuông mà cái chính là mở rộng việc hoằng pháp lợi sinh, giáo dục thiên tính, gieo trồng duyên lành cội phước. Bởi vậy, ngay phía sau Tổ Đình vẫn còn dấu tích Thạch Động, bên trong hang núi từng là nơi Hòa thượng Huệ Đăng sống tu hành và đạt đạo. Hàng năm, lễ giỗ sư tổ Huệ Đăng được tổ chức trang trọng trong hai ngày ngày 10 và 11-7 (âm lịch) với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và khách từ các tỉnh lân cận đổ về

Nói về sư tổ Huệ Đăng, tên thật của Ngài là Lê Quang Hóa, sanh năm 1873 tại xã An Đông, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ngài đã từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp từ năm 17 tuổi. Năm 1895 phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng thất bại. Nhiều cơ sở, tổ chức ở Bình Định bị phá vỡ, anh em chiến sĩ bị bắt, bị tù đày. Sau đó, Ngài đã theo đoàn thương thuyền vào Nam, đến núi Chân Tiên (Long Điền) thuộc Bà Rịa xưa xin tu hành. Ở núi này, Ngài xin tu ở chùa Long Hòa của Tổ Hải Hội cũng là người ở Phú Yên vào đó hành đạo. Ngài đã thức tỉnh và phát tâm quy y với tổ Hải Hội. Tổ Hải Hội nhận thấy Ngài có Pháp khí Đại Thừa, có căn lành sâu dày với Phật pháp, nên đã thế pháp cho Ngài và đặt pháp danh là Thiện Thức (tức là đã giác ngộ). Sau khi lãnh hội pháp, Ngài đã mang kinh vào rừng, tìm được hang của ông Hổ để trú ẩn trắc nghiệm pháp. Với quyết tâm tu hành cao độ, Ngài ở trong rừng sâu ba năm, ăn măng rừng, uống nước suối… kham khổ. Trong núi rừng, Ngài trầm mình trong kinh điển Thiền Quán và gia công trì chú, trải qua thời gian sống với Pháp thực và Thiền thực, Ngài đã đắc đạo và trở về chùa Long Hòa, đảnh lễ cụ Tổ Hải Hội để xin ấn chứng. Cụ Tổ nhận thấy Ngài đã sáng đạo, mới đổi pháp danh là Huệ Đăng pháp là Tứ Thanh Kế, với ý nghĩa nối tiếp ngọn đèn trí tuệ của Đức Phật.

Chùa Thiên Thai tọa lạc trên diện tích tương đối rộng (6ha), được chia làm 4 khu vực chính đó là: chánh điện (Thiên Thai), Thạch Động, Thiên Khánh và Thiên Bửu Tháp (được xây dựng năm 1936). Tòa chánh điện hình tứ giác vuông, mỗi cạnh 15m. Mặt tiền của tòa chánh điện gồm năm gian, ở giữa có ba cửa ra vào xây theo lối cuốn vòm, tạo nên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng. Tường xây bằng đá dày 0,4m, cao 3m, vách không tô xi măng. Mái nhà làm kiểu kiến trúc mái chồng diềm xuôi về bốn góc. Trên đỉnh cao nhất của nóc chùa là bình cam lồ, đắp bằng xi măng; ở bốn góc của chùa đắp trang trí hình rồng cách điệu, tạo nên nét uyển chuyển, sinh động. Phía mặt tiền của chùa có bức cuốn thư lớn đắp bằng xi măng nổi hình chữ Triện, phiên âm là: Thiên Thai cổ tự. Hai đầu hồi đắp hình tam giác nổi, trên đỉnh gắn một bông sen. Bên trong tòa chánh điện là Điện thờ, được thiết kế thờ ngay giữa trung tâm, rất độc đáo. Bố trí bốn trụ đá ở bốn góc, giữa là một trụ đá nâng đỡ toàn điện thờ, tạo thành chữ Ngũ với ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành, là năm yếu tố cơ bản gồm Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tạo nên vũ trụ vạn vật và con người. Bệ sân bằng đá giật cấp, cao 2m. Bốn góc có ngai thờ làm bằng gỗ rộng 1m, cao 2m, sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu những hình trang trí truyền thống như: hổ phù, lửa tam muội, hai bên là hình rồng cách điệu.

Phía trước Chánh điện là bàn thờ bài trí các pho tượng: Phật Thích Ca Mâu Ni bằng xi măng được sơn son thếp vàng, ở tư thế ngồi kiết già. Tượng Bồ Tát đản sanh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đứng trên đài sen. Phía dưới là tượng Phật Di Lặc ngồi cũng đắp bằng xi măng, có nụ cười hiền, hể hả tượng trưng cho sự viên mãn, no đủ và hạnh phúc.

Phía Tây là Điện thờ Quan Âm Chuẩn Đề 18 tay ở tư thế ngồi. Phật Quan Âm Chuẩn Đề là người lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh trên cõi đời này và dùng pháp lực để cứu độ.

Phía Đông là điện thờ Phật Quan Âm Bồ Tát ở tư thế ngồi. Tượng thể hiện đầu đội khăn trùm trên tóc, mặc áo dài, chân để trần, ngồi trên đài sen, mặt hơi cúi xuống với nét hiền từ giống như một bà mẹ yêu thương vô bờ bến, một tay cầm nhánh dương liễu, một tay cầm bình cam lồ với ý nghĩa cứu độ chúng sinh.

Phía Nam nơi thờ bài vị, trên cùng có một cặp ngà voi dài 0,5m, nặng khoảng 10kg, do ông Cả Đại ở Bình Dương tặng cho Hòa thượng Huệ Đăng vào thời kỳ mới xây dựng Chùa Thiên Thai. Bốn góc chùa còn bài trí bốn pho tượng Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ pháp và Tiêu Diện. Góc phải là một đại hồng chung, một khánh đá, phía trái đặt một trống cái sử dụng trong việc hành lễ.

Cửa Chùa Thiên Thai được bố trí với năm cửa hình vòm cuốn cánh cung, gồm bốn cửa phía ngoài, bốn cửa phía trong trổ ra bốn điện thờ, có ý nghĩa tượng trưng cho bát quái, gồm tám yếu tố (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài).

Phía sau tòa Chánh điện là giảng đường (hay là nhà hậu tổ) gồm năm gian bằng gỗ, kết cấu vì kèo đơn giản hình chữ A. Mái lợp ngói vẩy rồng, tường xây bằng gạch, tô cát và xi măng. Cột và vì kèo làm bằng gỗ dầu, gỗ sao. Các đòn bẩy có gắn trang trí hình rồng, chim thần cách điệu chạm trổ rất công phu. Ở đây còn lưu giữ hai bộ bàn ghế các Hòa thượng dùng để tiếp khách. Đặc biệt, giữa tòa nhà còn treo ba tấm Hoành phi được sơn son thếp vàng, do chính tay Hòa thượng sáng tác cùng với bốn cặp câu đối. Mỗi tấm Hoành phi dài 60cm, rộng 40cm; Câu đối dài 1,2m, rộng 0,3m, mặc dầu đã trải qua mấy chục năm, chất liệu bằng gỗ nhưng vẫn còn khá

Phía sau tòa Giảng đường, nằm sát chân núi Dinh Cố, có một am nhỏ hình vuông, mỗi cạnh 4m x 4m, được xây bằng đá hoa cương, mật mía vôi và xi măng, lợp ngói vẩy rồng. Đây là nơi Hòa thượng Huệ Đăng dùng để tu thiền nhập định trong thời gian ở Tổ Đình Thiên Thai.

Đặc biệt, Sư tổ Huệ Đăng từng quen biết cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - là thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồi đầu mới dựng chùa, cụ phó bảng có ghé thăm và ở lại Thiên Thai một đêm để đàm đạo với Sư Huệ Đăng.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.