Di tích Lịch sử văn hóa Chùa Long Bàn
khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 15 Phút
- Giới thiệu
- Chùa cổ Long Bàn (người dân thường gọi chùa làng Long Điền), tọa lạc tại khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền. Chùa nằm ở phần cuối của dãy núi Thùy Vân, có nhiều tảng đá tự nhiên mặt phẳng như bàn thạch nên làng gọi là Long Bàn. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc nghệ thuật trang trí mỹ thuật độc đáo, chùa còn lưu giữ nhiều tượng Phật, hiện vật cổ. Sư tổ khai sơn chùa là Hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh. Tương truyền chùa có tuổi đời trên 150 năm.
Chùa cổ Long Bàn còn gọi là chùa Láng hay gọi bằng cái tên thân quen là chùa làng Long Điền, xưa thuộc tổng An Phú Thượng, quận Long Điền, do dân làng Long Điền dựng lên. Hiện nay, chùa thuộc khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tục truyền rằng, vùng đất Long Điền trước kia có chín con rồng chầu. Khu đất dựng ngôi chùa là phần cuối cùng của dãy núi Thùy Vân, có nhiều tảng đá tự nhiên phẳng như mặt bàn thạch nên dân làng đặt tên là Long Bàn. Dấu tích những tảng đá tự nhiên phẳng hiện vẫn còn xếp lớp ở phía sau chùa. Long Bàn cổ tự, như tên gọi của nó, là một ngôi chùa kiến trúc theo kiểu cổ với cách trang trí mỹ thuật độc đáo. Chùa Long Bàn tọa lạc tại trung tâm thị trấn Long Điền, là vùng đất đặt chân đầu tiên của cộng đồng người Việt vào khai phá đất Đàng Trong và còn là nơi xuất phát của công cuộc truyền bá Phật giáo vùng Mô Xoài - Bà Rịa. Bằng chứng là hiện chùa còn giữ 8 khuôn in bằng gỗ do hai vị tổ sư đầu tiên của chùa đã khắc dùng để in các bộ kinh sách cổ xưa như: Kinh Kim Cang chú giải, Kim Cang diễn giả..
Có thể ngôi chùa được xây dựng sớm hơn, nhưng theo niên hiệu khắc trên xà ngang nhà giảng đường thì chùa Long Bàn được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ năm (năm Ất Tỵ 1845). Chùa do hai vị Hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh (1752-1859) là đệ tử của Hòa thượng Giác Ngộ trụ trì chùa Bát Nhã trên núi Long Sơn - tỉnh Phú Yên vào trụ trì đầu tiên, được dân làng tôn làm vị tổ khai sơn của chùa.
Chùa Long Bàn tọa lạc trên một khu đất cao tương đối bằng phẳng rộng trên 3.000m2. Có cổng xây bằng đá. Mặt chính quay theo hướng Đông Bắc. Trải qua hơn 150 năm nhưng chùa vẫn bảo tồn được gần như nguyên trạng. Chùa Long Bàn cất theo kiểu chữ Tam như kiểu chùa xưa ở miền Nam, nhưng mặt tiền có kiến trúc mới với hai lầu chuông và lầu trống nhô cao hai bên mang dấu ấn của kiểu chùa Huế. Mái chùa lợp ngói âm dương, đầu ngói có gờ viền bằng gốm men xanh. Bên trong chùa kiến trúc cột, kèo, rui mè…hoàn toàn bằng các loại gỗ tứ thiết. Cấu trúc chùa Long Bàn gồm: tiền điện, chánh điện và nhà cầu nối với hậu đường. Độc đáo nhất là trước chánh điện có ngôi nhà sàn bằng gỗ, bên trong đặt tượng Tiêu Diện Đại Sĩ - là Đức Quan Âm Nam Hải hóa thân phục cô hồn. Đây là nơi hàng năm nhà chùa tổ chức lễ Vu Lan, rằm tháng bảy, để thiết lễ cúng cô hồn. Đây là thành tố kiến trúc hiếm thấy, có một không hai đối với các chùa ở Nam Bộ.
Tiền giảng đường: có diện tích 233.09m2 gồm hai lớp ngói lợp âm dương, bờ nóc có rồng chầu pháp lam bằng gốm men xanh. Hai bên là mặt nhật, nguyệt, ngoài cùng là hai con lân bằng gốm. Tiền giảng đường là nơi thuyết pháp và là nơi làm chay cúng thí thực, được chia làm 5 gian. Giữa từng hàng cột trên xà ngang được trang trí bằng những ô hình chữ sơn thủy, nhà sàn, người chèo thuyền trên bến… phản ánh cuộc sống người dân trong làng chủ yếu gắn liền với biển và nghề chài lưới.
Chánh điện: tiếp nối với tiền giảng đường là chánh điện có nhiều hoành phi, câu đối chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng. Gian giữa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Thế Chí, Ngọc Hoàng, Di Lặc, Bồ Tát. Gian bên trái thờ vị sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh. Ngoài ra tại đây còn có bàn thờ La Hán và Thập điện Diêm Vương. Từ tiền giảng đường đi vào trong chánh điện qua ba cửa (cửa thường chỉ được mở vào những dịp lễ, cúng giỗ lớn), bề mặt cửa chạm trổ hình rồng cuốn mây, hoa văn, dây lá…rất tinh xảo. Đặc biệt trước chánh điện có tấm hoành phi trên xà ngang gian giữa là hình ảnh lưỡng long chầu nhật với hai con rồng có vảy vàng óng ánh uốn lượn; có hình mặt trời sơn màu đỏ chia làm 4 phần bằng nhau mà theo các cao niên có lẽ là biểu thị cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông…có những vần mây tinh tế.
Nơi thờ Tổ: Phía sau chánh điện là nhà thờ Tổ hương án bằng gỗ, trên thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và hai bài vị tổ khai sơn chùa là Hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh.
Nhà cầu: hai nhà cầu nối liền giữa khu chánh điện và hậu giảng đường ở hai bên hồi nhà. Khoảng trống giữa là Thiên tịnh (gọi là giếng trời) lấy không khí và gió.
Bên cạnh đó còn có nhà Hậu giảng đường - là nơi thờ ông Giám Trai ở giữa, tả, hữu thờ vong linh những người đã khuất. Sau bàn thờ ông Giám là hậu phòng - nơi nghỉ của sưu trụ trì; ngay bên hông chùa có nhà trù song hiện nay đã xuống cấp.
Long Bàn là một ngôi chùa thuộc phái Thiền Tông, dòng Lâm Tế. Lễ chùa hàng năm tính theo âm lịch gồm có rằm tháng Giêng (lễ cúng Thượng Ngươn), ngày 8/4 lễ tắm Phật và 15/04 lễ Phật Đản. Ngày 28,29/4 (Húy kỵ). Rằm tháng 7 (lễ cúng Trung Ngươn), vu Lan báo hiếu. Rằm tháng 10 (Hạ Ngươn).
Long Bàn cổ tự như tên gọi của nó mang phong cách kiến trúc cổ với cách trang trí mỹ thuật độc đáo. Với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã kiến tạo nên các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ tinh xảo như hệ thống bao lam chạm hình chim phụng, khám thờ chạm rồng phượng, hoành phi, câu đối, mang giá trị thẩm mỹ cao. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều tượng phật: Ngọc Hoàng, Quan Thánh, 18 vị La Hán bằng đồng và gỗ mít, 8 khuôn in kinh khắc chữ nổi trên gỗ, 1 đại hồng chung bằng đồng cao 1,2m có cùng niên đại cách đây trên 150 năm. Ngoài nét độc đáo về kiến trúc về điêu khắc, chùa tọa lạc nơi cảnh trí thiên nhiên đẹp, hài hòa.
Hiện nay chùa Long Bàn do Ban tế tự trông coi và do nhân dân hàng năm bầu ra lo việc tổ chức cúng lễ chùa.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.