Nhà Lớn Long Sơn
Thôn 5, Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Điện thoại liên hệ
- 02543844044
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 30 phút
- Giới thiệu
- Nhà Lớn Long Sơn là di tích bằng gỗ đồ sộ nhất nước ta được làm bằng các loại gỗ lim, sến, trắc, bá gụ... Khu di tích Nhà Lớn – Long Sơn (đền Ông Trần) được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa theo QĐ số: 1371/QĐ, ngày 03/08/1991 Bộ Văn hóa - Thông tin.
Xã đảo Long Sơn có diện tích hơn 90 km2, tựa lưng vào Núi Nứa, được bao quanh bởi sông Chà Và, sông Dinh và biển, có dãy núi nhấp nhô uốn lượn mềm mại như hình rồng, ẩn hiện giữa thảm xanh mượt mà của rừng ngập mặn nhiệt đới.
Nhà lớn Long Sơn tọa lạc tại thôn 10, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Người có công khai khẩn vùng đất là ông Trần. Ông tên thật là Lê Văn Mưu sinh năm Ất Mão (1855) tại ấp Thiện Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Năm 1900, Ông Trần theo đường sông, dẫn theo một đoàn người chừng hơn hai mươi người đến khai khẩn vùng đất dưới chân Núi Nứa. Ông Trần đã quy tụ được nhiều người theo Ông mở đất lập làng, xây dựng nên một khu nhà quy mô bề thế như một cung điện và hình thành một tín ngưỡng độc đáo: tín ngưỡng Ông Trần.
Năm 1910, ông cho xây dựng bên trong Nhà Lớn, năm 1927 xây dựng thêm Lầu Cấm làm tiền điện hai ngôi nhà khách, tiếp sau đó là lầu Tiên, lầu Phật, lầu Cấm, nhà khách, vườn hoa và cổng tam quan. Tiếp đến xây dựng Lầu Dài đồng thời cho xây dựng 6 dãy nhà phố làm nhà ở cho những người phương xa đến lập nghiệp. Xây chợ cho dân buôn bán, xây nhà Long Sơn hội để hội họp việc làng và xây dựng nhà trường đón thầy giáo về dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ nhỏ, mở mang dân trí.
Di tích Nhà Lớn chia làm 3 khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ Ông Trần. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật quý báu như: bộ bàn ghế bát tiên gồm 8 ghế và 1 bàn hình chữ nhật đã trên 200 năm tuổi, tương truyền là bộ bàn ghế của Vua Thành Thái. Bên cạnh đó, còn có nhiều cổ vật trang trí nội thất thờ tự như bao lam, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng... đặc biệt là bộ tủ thờ gồm 33 cái, được cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo. Tất cả cổ vật nơi đây thể hiện khả năng nghệ thuật điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước.
Con cháu của ông vẫn giữ gìn tôn giáo, những phong tục, tập quán của ông. Nếu bạn có cơ hội đến thăm đảo Long Sơn, hãy dừng chân ở khu di tích Nhà Lớn Long Sơn tọa lạc tại thôn 10, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu để thấy hình ảnh, công sức và tâm nguyện của Ông Trần vẫn còn được người dân theo Đạo của Ông nâng niu gìn giữ, từ bộ quần áo bà ba, đi chân đất đến búi tóc gọn gàng; từ cách sinh hoạt đến tính cách đậm chất Nam Bộ... và một lễ tục hết sức đặt biệt trong tang ma của Nhà lớn Long Sơn được thực hiện theo những quy định do ông Trần đặt ra đến nay vẫn còn gìn giữ. Bạn sẽ được trở về với một không gian Tây Nam Bộ xưa ngay trên đất Đông Nam Bộ, ngay trong thời hiện đại, và thấy rằng không gian ấy thật đáng để trân trọng và lưu truyền.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.