Skip to content

Di tích cách mạng Trường Văn Lương

khu phố Long Lâm, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Điện thoại liên hệ
0773811467
Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
30 phút
Giới thiệu
Trường Văn Lương là Di tích cách mạng cấp tỉnh, tọa lạc tại khu phố Long Lâm, thị trấn Long Điền, nay là trường Trung học cơ sở Văn Lương. Trường ra đời trong thời kỳ kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn, nhằm xây dựng cơ sở hoạt động đấu tranh hợp pháp với kẻ thù, đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp giải phóng. Di tích lịch sử cách mạng Trường Văn Lương được công nhận là Di tích Lịch sử -cách mạng theo QĐ số 6188/QĐ.UB ngày 01/09/2004 – UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trường Văn Lương là di tích cách mạng cấp tỉnh, tọa lạc tại khu phố Long Lâm, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, trong kháng chiến trường được gọi là Tư thục trung và Tiểu học Văn Lương học đường, hiện nay là trường Trung học cơ sở Văn Lương. Trường ra đời trong thời kỳ kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn, nhằm xây dựng cơ sở hoạt động đấu tranh hợp pháp với kẻ thù, công khai thu hút một số tầng lớp trí thức tham gia cách mạng, đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối cha anh cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Toàn bộ kiến trúc trường là nhà cấp 4, đến nay vẫn còn giữ khá nguyên vẹn. Trường được tu sửa lại vào năm 1993, tiếp tục được nâng cấp mở rộng phạm vi và quy mô song trường cũ vẫn giữ nguyên trạng, với 4 phòng học và nhà Ban Giám hiệu trường. Năm 1999, phòng giáo viên và Ban giám hiệu cũng đã được sửa chữa hoàn toàn phần mái, trùng tu giữ nguyên gốc và sử dụng làm phòng truyền thống của trường. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện Long Điền còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh chỉnh lý phòng trưng bày tại di tích để phục vụ cho khách tham quan và là nơi cho thầy và trò cùng tìm hiểu về lịch sử ngôi trường, tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống quý giá về một thế hệ những người thầy đã hy sinh cho công tác trồng người trong kháng chiến.

Đầu năm 1955, ông Nguyễn Thành Long, nguyên là Trưởng ty Giáo dục Bà Rịa (trong kháng chiến chống Pháp) đã thuyết phục người quen, mượn được giấy phép chính quyền sở tại xin mở “Vạn Lương học đường” sau đó đổi tên thành trường Văn Lương, khai giảng năm học đầu tiên gồm 3 lớp với 40 học sinh vào tháng 6 năm 1955. Cơ sở 1 là xưởng dệt của gia đình ông Năm Ngẫu, một thương gia ở Sài Gòn cho mượn, trường tiếp tục mở rộng cơ sở 2 tại nhà bà Sáu Hinh, ở xóm Đình, thị trấn Long Điền. Nhờ uy tín của các thầy và chất lượng học tập, năm học (1956 - 1957) Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn đã chấp thuận đổi thành trường “Tư thục trung và tiểu học Văn Lương học đường”. Năm học (1957 - 1958) cơ sở vật chất của trường được hoàn tất để kịp khánh thành trong ngày khai giảng.

Trường Văn Lương ra đời hoạt động công khai ngay trong lòng địch, mặc dầu kẻ thù luôn rình rập, theo dõi gắt gao nhưng phong trào đấu tranh cách mạng của trường ngày càng phát triển, dưới nhiều hình thức: biểu diễn văn nghệ, xuống đường diễu hành đấu tranh chính trị, đòi thi hành hiệp thương tổng tuyển cử, quyền dân sinh, không được bắt, giam vô cớ thầy giáo và học sinh...

Trường dạy học theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn kiểm soát nhưng các thầy giáo đã khôn khéo lồng ghép trong các giờ giảng môn Việt văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, đạo đức…với những bài học bồi dưỡng giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao truyền thống đấu tranh anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, tư tưởng tiến bộ cách mạng… cho học sinh. Địch không tìm được lý do gì để đóng cửa hoặc ghép trường vào hoạt động chính trị bất hợp pháp, chúng buộc phải thừa nhận, cho phép trường được hưởng những qui chế như một trường công trong thi cử, cấp học bổng cho học sinh giỏi. Trường ưu tiên bình xét các em học sinh gia đình nghèo, có cha anh tham gia hoạt động cách mạng học giỏi được cấp học bổng. Bằng phương pháp giảng dạy sư phạm tiến bộ, khoa học, năng động, khéo léo kết hợp giữa học, hỏi, hiểu, thực hành, giữa nội khóa và ngoại khóa của các thầy cô nên học sinh trường Văn Lương luôn gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, kết quả học tập khá cao, phong trào văn nghệ, thể thao rất sôi nổi. Các thầy giáo còn mở hiệu sách báo “Truyền bá” phát hành, giới thiệu những tác phẩm văn học yêu nước, lành mạnh trên Diễn đàn công khai và gây quỹ hoạt động. Năm 1958 bài hát “Hiệu đoàn ca Văn Lương” của thầy trò trường Văn Lương ra đời, nội dung tiến bộ, thôi thúc động viên học sinh, thanh niên ra sức học tập rèn luyện để xây dựng quê hương đất nước. Năm học 1959 - 1960 tình hình cách mạng miền Nam thay đổi từ giai đoạn đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, một số thầy, trò cốt cán của trường rút vào hoạt động cách mạng bí mật, lần lượt ra căn cứ tiếp tục hoạt động. Đến khóa học (1960 - 1961) thầy, trò làm lễ bế giảng nhưng thực tế là buổi tổng kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một giai đoạn cách mạng vẻ vang. Sau buổi lễ đầy ý nghĩa đó thầy, trò Trường Văn Lương từ giã đồng bào ra căn cứ tham gia chiến đấu.

Trong thời gian hoạt động hợp pháp trong lòng địch, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, thầy, trò Trường Văn Lương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong học tập và đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi quyền dân sinh. Nhiều lần địch đàn áp, khủng bố, bắt và tù đày nhiều thầy giáo ưu tú nhưng phong trào học tập, đấu tranh vẫn duy trì và phát triển. Trong bảy khóa học trường đã đào tạo một thế hệ trẻ trưởng thành kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng của cha anh lần lượt bí mật vào căn cứ, tiếp tục hoạt động cách mạng, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể nói, Trường Văn Lương ra đời để lại dấu ấn khá đậm nét trong ngành giáo dục tỉnh nhà, “Dạy tốt và học tốt, đấu tranh mà vẫn học giỏi”, đó là tinh thần và mục tiêu hành động của thầy trò và toàn thể học sinh trường Văn Lương thời ấy. Hiện nay, Di tích lịch sử Cách mạng Trường Văn Lương nằm trong khuôn viên của trường Trung học cơ sở Văn Lương. Một hành trang hào hùng, nhiệt huyết một thời nay được nhiều thế hệ học trò tự hào tiếp bước, không chỉ nỗ lực phấn đấu trong học tập mà noi gương thế hệ đi trước trau dồi đạo đức, tương thân tương ái.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.