Di tích lịch sử văn hóa Đình thần Xuyên Mộc
ấp Nhơn Tâm, xã Xuyên Mộc
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 30 phút
- Giới thiệu
- Dấu ấn sinh sống của người Việt và thể hiện sự quản lý mang tính hành chính làng xã Việt Nam chính là hình ảnh đình làng. Đình thần Xuyên Mộc ban đầu đình nằm ở Gò Đình ấp Nhơn Tâm, xã Xuyên Mộc; ước đoán xây dựng vào đầu những năm thế kỷ XIX và có lễ giỗ Thành Hoàng Bổn Cảnh (17/3 âm lịch); lễ Kỳ Yên (16 và 17/11 âm lịch). Sau đó đình dời về trung tâm xã Xuyên Mộc hiện nay, và cuối cùng năm 1954 đình dời về địa điểm như hiện tại bên cạnh miếu Bà Xuyên Mộc và được trùng tu vào năm 2008.
Do di dời nên đình không còn là giá trị về kiến trúc, nhưng hệ thờ Miếu Bà và thờ thần Nông bên cạnh đình lại cho thấy nét đặc sắc của người Việt tại Xuyên Mộc. Theo bố trí của người Việt vùng Nam Bộ miếu thờ hổ sẽ nằm bên phải miếu thờ Thần Nông. Nên nếu khuôn viên đình Xuyên Mộc lấy gốc là miếu Bà và miếu thờ Thần Nông thì dự đoán án tranh hổ bên phải chính là miếu thờ hổ xưa, cần thiết có thể đối chiếu với lời kể của người già hay văn bản thờ tự xưa; và có thể hợp lí với vùng Xuyên Mộc này, khi khảo sát miếu thờ hổ chúng tôi gặp rất nhiều, đặc biệt ở vùng Bình Châu.
Tại đây cũng là nơi nhóm khảo cổ tìm được nhóm gốm sứ cổ của Việt (gần nền miếu Bà)
Đôi câu đối trên đình, nếu là được ghi chép lại từ các văn bản trước, hoặc sao từ đôi câu đối cũ là một sự thú vị
Hổ cứ sơn lâm phò xã tắc
Long du nguyệt điện tráng sơn hà
(Hổ chiếm sơn lâm phò xã tắc
Rồng chơi nguyệt điện vững sơn hà)
Đôi câu đối này xuất hiện khá dày trong hệ đình miền Nam có niên đại rất xa, như Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn (Vĩnh Long) ở bình phong thờ hổ; đình Tân Thạch (Bến Tre), đình Chí Hòa (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh)... thể hiện dấu ấn phối thờ hổ rất đặc thù của vùng Nam Bộ.
Như thế việc thờ cúng trong Đình Xuyên Mộc, ban đầu người dân tôn thờ thần rừng, thần thổ địa, thần sông, thần biển làm đối tượng thờ cúng, sau đó dân làng tôn vị thống binh Hồ Văn Hiên là Thành Hoàng làng. Sự kiện biểu hiện một hệ thống tín ngưỡng đa nguyên pha lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của cư dân nông nghiệp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và người anh hùng có công, gắn bó với mảnh đất Xuyên Mộc.
Trong Đại Nam nhất thống chí tập 5 trang 88 ghi: “Đền Hiên Ngọc Hầu, ở thôn Phước Bửu, huyện Phước An, thờ thống binh Hồ Văn Hiên là con tập chức của Hồ Văn Quí là thống binh đầu đời Trung Hưng. Hiên đóng quân ở đạo Nục Giang, sau chết ở đạo sở, tỏ dấu anh linh, dân địa phương có cầu đảo liền ứng. Năm Minh Mạng thứ 19, nguyên hộ phủ là Phạm Duy Trinh đào sông Xích Lam, đêm nằm mộng, bèn lập đền thờ”. Ớ Xuyên Mộc còn những truyền thuyết rằng Hồ Văn Hiên là Hồ Quốc Thống, có cả phần mộ được gọi là Mộ Ông; nhưng câu chuyện này rất khó chứng minh.
Trong một hệ thờ lân cận, Đình Phước Bửu thờ thành hoàng làng là Hồ Văn Cưới, lễ cúng Thần tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch. Đình Xuyên Mộc thờ thành hoàng làng là Hồ Quang Thống, lễ cúng Thần ngày 17/3 âm lịch. Đình Thạnh Mỹ huyện Đất Đỏ thờ thành hoàng làng Hồ Quốc Thống. Theo lời kể của các cụ cao niên cùng các vị trong ban tế tự đình Xuyên Mộc mang tính truyền đời thì cả ba đình làng: Xuyên Mộc, Phước Bửu, Thạnh Mỹ đều thờ chung một vị thành hoàng họ Hồ (Hồ Văn Hiên), chỉ khác nhau tên gọi có lẽ để tỏ lòng tôn kính một vị thống binh nên dân địa phương không gọi đích danh “tên huý” của ông. Tuy nhiên cứ liệu lịch sử và các ghi chép chính thống cho đến nay vẫn còn nhiều điều chưa rõ về hành trạng của ba ông là một người, hay là nhiều người, là truyền kì hay là những mảnh vỡ của một sự thật lịch sử đã không còn nhiều dấu vết?
Đôi câu đối hiện nay có khắc sai chữ ^ thành ÍẸ (cùng đọc là “tắc”)
Người dân Xuyên Mộc, Phước Bửu còn truyền nhau về sự linh thiêng của một ngôi mộ là “Mộ Ông” ở chân Núi Kho và cho rằng đây là mộ vị Thành Hoàng được thờ tự ở ba nơi Phước Bửu, Xuyên Mộc, Đất Đỏ.
Cho đến khi tìm được những cứ liệu lịch sử thì những truyền kì mang tính địa phương vẫn được lưu giữ. Có thể nó “hàm ảnh” một sự thật nào đó có giá trị tư liệu; cũng có thể hoàn toàn là truyền kì nhưng qua đó thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn luôn nhớ ơn người khai khẩn, xây dựng làng, chống giặc.. .của con người Xuyên Mộc.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.