Skip to content

Di tích trại Phú An

Đ. Nguyễn Chí Thanh, phường Côn Đảo, huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
40.000 VND
Thời gian tham quan (Dự kiến)
30 phút
Giới thiệu
Cùng với sự gia tăng quy mô của cuộc chiến tranh xâm lược, nhà tù Côn Đảo cũng phải mở rộng. Phái đoàn quân sự Hoa Kỳ sau lần khảo sát (1967- 1968) đã đề nghị Chính phủ Mỹ xây dựng thêm nhà giam kiểu mẫu ở Côn Đảo. Trại Phú An được xây dựng ngay sau đó. Di tích trại Phú An đã được Bộ VHTT đã ra quyết định số 54-VHQĐ đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia ngày 29/4/1979. Ngày 10/5/2012 Thủ Tướng chính phủ ra quyết định 548/QĐTTg công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia.

Hãng thầu RMK- BRJ là một trong những hãng thầu nổi tiếng của Mỹ đã trúng thầu và gấp rút xây dựng một hệ thống trại giam gồm: Trại VI (sau này gọi là trại Phú An), Trại VII, Trại VIII (khởi công xây dựng cùng một lúc năm 1968), Riêng Trại IX đang xây dựng dang dở thì hiệp định Paris ký kết nên bỏ dở.

Trại VI (trại Phú An) rộng 42,140 m2, chia làm hai khu: Khu A và khu B, mỗi khu có hai dãy, 10 phòng, mỗi phòng rộng hơn 100 m2. Khu A được đưa vào sử dụng từ năm 1970. Tháng 08/1970, Mỹ - Ngụy đã thành lập Tiểu đoàn Tâm lý chiến thí điểm Côn Sơn tại trại này, do cố vấn Mỹ và cố vấn Đài Loan trực tiếp theo dõi và chỉ đạo. Trại nằm trên một động cát gần hốc núi, ban ngày nóng bức, giữa trưa không thể băng qua hai dãy phòng giam bằng chân trần, nhưng ban đêm nhiệt độ lại giảm đột ngột thêm gió từ hốc núi vòng lại tạo thành một vùng gió độc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tù.

Khu B lúc đầu là nơi giam giữ những tù chính trị chống đối, được thanh lọc từ Tiểu đoàn tâm lý chiến thí điểm khóa I. Dấu ấn đậm nét nhất ở trại này được ghi nhận từ tháng 12/1971, khi lực lượng tù chính trị câu lưu được đưa từ Trại I về. Đây là một tập thể chiến đấu kiên cường được sàng lọc từ hàng trăm đợt đấu tranh chống các thủ đoạn tố cộng, cưỡng bức ly khai Đảng Cộng Sản từ thời Mỹ - Diệm. Ngày 03/02/1972 Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu đã ra đời tại Trại VI khu B. Đảng bộ có 62 đảng viên, tổ chức thành 10 chi bộ ở các phòng, tổ chức ban điều hành từ cấp toàn trại đến các phòng để duy trì các hoạt động theo chủ trương của Đảng ủy.

Tờ nguyệt san Xây dựng, tiếng nói của tù chính trị Trại VI khu B ra đời từ giữa năm 1972, với các loại bài đưa ra tin tức, thời sự, bình luận, ký sự, thơ văn, bài viết về âm mưu thủ đoạn của địch và tinh thần đoàn kết đấu tranh của tù chính trị có tính giáo dục và tinh thần chiến đấu cao. Các ngày lễ và kỷ niệm lịch sử đều được tổ chức trang trọng, công khai treo cờ, khẩu hiệu cách mạng, sinh hoạt văn nghệ, kể chuyện truyền thống, giáo dục chính trị... như một vùng giải phóng giữa lao tù.

Cuối năm 1974, nắm được nội dung Hiệp định Paris mà Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã thỏa thuận, Đảng ủy Lưu Chí Hiếu đã thành lập Ban Quân Sự và Ban An ninh để chuẩn bị đón thời cơ, tự giải phóng.

Nhờ có Đảng bộ vững mạnh, tổ chức chặt chẽ, tập thể đoàn kết và tinh thần chiến đấu cao, tù chính trị câu lưu ở Trại VI khu B đã tổ chức thắng lợi nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu, giành được uy thế chính trị lớn, trong đó có cuộc tuyệt thực 19 ngày (10/1972); kỷ niệm các ngày lễ lớn tháng 12/1972; cuộc đấu tranh chống lăn tay chụp hình, tráo án tù chính trị thành “gian nhân hiệp đảng” (05/1973).

Đầu năm 1975, địch chuyển toàn bộ tù chính trị câu lưu Trại VI khu B về Trại VII (Chuồng Cọp Mỹ). Các đảng viên của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã góp phần tích cực trong việc chỉ đạo cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo đêm 30, rạng ngày 01/05/1975.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.