Bảo tàng Côn Đảo
Đ. Nguyễn Huệ, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Điện thoại liên hệ
- 0916692789
- Giá vé (tham khảo)
- 40.000 VND
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 1 giờ
- Giới thiệu
- Ngày 06 tháng 9 năm 2013 Bảo tàng Côn Đảo chính thức mở cửa phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nơi đây lưu giữ hơn 2.000 tư liệu, hiện vật quý giá về lịch sử nhà tù Côn Đảo, đồng thời thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã hi sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Khu Di tích nhà tù Côn Đảo là khu Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, là nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong 113 năm đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau ngày giải phóng, Côn Đảo được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành tình cảm quan tâm đến Côn Đảo. Ngày 06 tháng 12 năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp, đầu tư cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng nhà Bảo tàng Côn Đảo nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ngày 06 tháng 9 năm 2013 Bảo tàng Côn Đảo chính thức mở cửa phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nơi đây lưu giữ hơn 2.000 tư liệu, hiện vật quý giá về lịch sử nhà tù Côn Đảo, đồng thời thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã hi sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nhà Bảo tàng Côn Đảo được xây dựng với tinh thần “Côn Đảo với cả nước – cả nước vì Côn Đảo”. Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ những di sản văn hóa, lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam để phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của huyện Côn Đảo nói riêng và cả nước nói chung.
Bảo tàng Côn Đảo trưng bày gồm: 1 gian khánh tiết và 4 chủ đề
Côn Đảo thiên nhiên - con người
Côn Đảo địa ngục trần gian
Côn Đảo trận tuyến và trường học
Côn Đảo ngày nay
Gian khánh tiết: là một cụm tượng bằng chất liệu Inox cao 6m thể hiện khí phách hiên ngang của người Cộng sản với khát vọng tự do, cánh tay vươn cao phá tan xiềng xích gắn liền với hình tượng cánh chim bồ câu hòa bình.
Phía sau là khối đai bằng chất liệu đá Côn Đảo tạo hình các tầng lớp đá đen xen lẫn nhau, trên bề mặt khắc chìm số tù tượng trưng cho nhiều thế tù nhân tại nhà tù Côn Đảo.
Côn Đảo được mệnh danh là địa ngục trần gian, trải qua 113 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (92 năm thời Pháp và 21 năm thời Mỹ - Ngụy)
Côn Đảo thiên nhiên -con người
Côn Đảo là quần đảo, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích nổi 76,71 km2. Địa hình Côn Đảo chủ yếu là đồi núi, chiếm 88,4% tổng diện tích tự nhiên.
Côn Đảo không có sông mà chỉ có những dòng suối nhỏ. Nước ngầm là nguồn nước ngọt chủ yếu dùng trong sinh hoạt cũng như trong các hoạt động kinh tế - xã hội của Côn Đảo.
Côn Đảo thuộc vùng khí hậu đại dương, nhiệt độ trung bình là 26,9 độ C, có thể du lịch cả năm, với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
Động – thực vật ở Côn Đảo có mức độ đa dạng sinh học cao, được quy hoạch thành Vườn Quốc gia, thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, trong đó có 5.998 ha trên các đảo, 14.000 ha trên biển và 20.500 ha vùng đệm trên biển với 882 loài thực vật rừng, 144 loài động vật rừng và 1300 loài sinh vật biển, có những loài động vật biển nổi tiếng như rùa biển, bò biển, có những loài riêng có ở Côn Đảo như Sóc Mun, chim Gầm Ghì trắng, Dầu Côn Sơn,…
Côn Đảo có 200 km bờ biển bao quanh các đảo với nhiều bãi tắm đẹp như bãi Vông, bãi Đầm Trầu..., thiên nhiên còn nguyên sơ, khí hậu trong lành.
Những chứng tích khảo cổ học ở Côn Đảo mang đậm tính lịch sử - văn hóa, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của nước ta trong vùng biển và hải đảo vùng Đông Nam của tổ quốc. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, lớp cư dân đầu tiên có mặt tại Côn Đảo có niên đại từ 3000 đến 2500 năm trước. Lớp cư dân gần nhất còn để lại dấu tích tại những ngôi làng An Hải, An Hội, Cỏ Ống, Hòn Cau và để lại hậu duệ đến nay là cư dân xứ Đàng Trong, ra Côn Đảo định cư từ thời chúa Nguyễn Ánh, cách đây hơn 200 năm.
Năm 1861, người Pháp chiếm Côn Đảo, đưa dân về đất liền, lập nhà tù (1862). Kể từ đó, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm (1862 – 1975). Ngày 1/5/1975, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng. Từ đây Côn Đảo thiêng liêng và đang từng bước chuyển mình trở thành hòn đảo “ngọc” của tổ quốc ta.
Côn Đảo địa ngục trần gian
Trong suốt 113 năm (1862-1975) , Côn Đảo trở thành nhà tù lớn nhất, dã man nhất, lâu năm nhất ở xứ Đông Dương, nơi phơi bày đầy đủ bản chất tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, với những hình thức tra tấn, đày ải man rợ nhất với hệ thống nhà tù quy mô, kiên cố. Thời Pháp chúng giam giữ tù nhân biến động ở mức trên dưới 2000 người. Thời Mỹ - Ngụy, số lượng tù nhân ở mức 4000 vào năm 1960, tăng đến mức 8.000 những năm 1967-1969 và xấp xỉ 10.000 những năm 1970-1972. Cho đến ngày giải phóng Côn Đảo còn 7.448 tù nhân.
Bọn Chúa ngục có nhiều kiểu hành hạ, giết hại tù nhân, buộc người tù phải chết dần, chết mòn trong nhà tù. Thời Mỹ - Ngụy, bọn Chúa ngục còn cưỡng bức học tố cộng, bắt tù chính trị phải ly khai Đảng Cộng sản, và áp dụng những kiểu tra tấn tàn bạo, những hình phạt tinh vi, sâu độc, hành hạ thể xác, tâm sinh lý người tù, khiến cuộc sống con người không bằng loài cầm thú.
Nói về sự tàn bạo ở Nhà tù Côn Đảo, Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu nhận xét “…So với cái tàn ác ở Nhà tù Côn Đảo thời Mỹ - Ngụy, thì nhà tù của Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm…”
Hai vạn hài cốt nằm lại Nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương và rải rác khắp nơi trên Côn Đảo, cùng hàng vạn người khác tàn phế, mang những chứng bệnh nan y, quằn quại trong những cơn đau đớn triền miên cho đến lúc chết. Đó là bằng chứng về tội ác của chủ nghĩa thực dân – đế quốc đối với dân tộc ta.
Côn Đảo trận tuyến và trường học
Từ năm 1930, những người tù chính trị cộng sản đã mở những trang mới trong lịch sử nhà tù: đấu tranh có tổ chức, có chiến lược, sách lược với kẻ thù trong mọi tình huống và đã giành thắng lợi lớn trong cuộc Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
Thế hệ tù nhân Kháng chiến chống Pháp (1946-1954) đã nâng mục tiêu đấu tranh lên bước phát triển mới: nhà tù là một mặt trận, tù nhân là những chiến sĩ hoạt động trong lòng địch, phải liên tục công kích địch, tuyên truyền giác ngộ binh lính địch, tạo điều kiện cho các chiến trường giành thắng lợi.
Thời Mỹ - Ngụy (1954-1975), tù chính trị Côn Đảo đặt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ khí tiết, bảo vệ lí tưởng Cộng sản, bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà cao hơn bảo vệ tính mạng mình. Cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo 1975 đã vĩnh viễn xóa bỏ "Địa ngục trần gian" tồn tại 113 năm trên hòn đảo này.
Cùng với những chiến công trong đấu tranh, tù chính trị Côn Đảo đã lập nên kỳ tích trên trận tuyến mới: biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, rèn luyện, đào tạo cán bộ.
Nhiều người trưởng thành, đảm nhiệm trọng trách của đất nước như: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh...Với ý nghĩa đó, nhiều người đã gọi Côn Đảo là Trường Đại học Cộng sản.
Côn Đảo ngày nay
Đêm 30/4, rạng ngày 01/5/1975, lực lượng tù chính trị đã nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ngục tù và giải phóng hoàn toàn Côn Đảo, trở thành chủ nhân của quần đảo mới được hồi sinh.
Ngày 04/5/1975, tàu Hải quân chở bộ đội ra tiếp quản Côn Đảo, 3.780 cựu tù chính trị trong “Đoàn chiến sĩ chiến thắng” đã được đưa về đất liền, 156 “chiến sĩ chiến thắng” tình nguyện ở lại xây dựng đảo. Côn Đảo khi ấy có 374 gia đình binh sĩ, công chức, gác ngục với 2.467 người. Họ trở thành những công dân mới trên hòn đảo vừa được giải phóng.
Để có một Côn Đảo hào hùng và tươi đẹp vươn lên một tầm cao mới xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân cả nước. Ngày 27-8-1976 đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khi trở lại thăm Côn Đảo, đã viết: “…Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, là một Di tích lịch sử vĩ đại, là một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau. Các đồng chí hãy ra sức phấn đấu để xây dựng Côn Đảo chẳng những thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh về quốc phòng mà còn phải gìn giữ những Di tích lịch sử ấy trở thành tài sản của nhân dân, một thứ tài sản vô giá lưu truyền cho đến nghìn đời con cháu mai sau…”.
Ngày 29 tháng 4 năm 1979, Bộ Văn hóa đã ban hành quyết định số 54/VH.QĐ công nhận toàn bộ hệ thống các nhà tù và các nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Cầu tàu lịch sử và kè đá quanh bãi biển là di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Ngày 10 tháng 05 năm 2012, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định Số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/10/2005 theo hướng xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo, tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần vào quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, với tầm nhìn dài hạn, hướng tới hiện đại, ổn định, bền vững, có hiệu quả, bảo đảm quốc phòng – an ninh, gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển của cả vùng phía nam của Tổ quốc với bước đi thích hợp.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở Côn Đảo được đầu tư, các tuyến đường đều được cải tạo và nâng cấp, một số tuyến đường mới cũng được mở ra, cùng với quá trình đó là dáng dấp một bộ mặt đô thị đang càng ngày càng hiện rõ nét tại khu trung tâm Côn Đảo.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.