Skip to content

Di tích Chuồng Cọp Pháp

Nguyễn Chí Thanh

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
50.000đ
Thời gian tham quan (Dự kiến)
30 phút
Giới thiệu
Trong hệ thống nhà tù, Chuồng Cọp được xem là khu vực giam giữ, tra tấn tù nhân dã man nhất. Đến thăm Nhà tù Chuồng Cọp, bạn sẽ không cầm được nước mắt trước sự hy sinh của các thế hệ cha anh cho nền độc lập tự do hôm nay. Ngày 29/4/1979, di tích Chuồng Cọp Pháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 54-VHTT.QĐ đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TT xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Từ năm 1862, Pháp đã sử dụng Côn Đảo làm nơi giam cầm những người bản xứ chống lại họ. Đến năm 1955, Thiếu tá Aloise Blank bàn giao nhà tù Côn Đảo lại cho chế độ Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác man rợ của thực dân Pháp. Đến thời Mỹ - Ngụy, nơi đây đã được phát triển thành “Trung tâm cải huấn Côn Sơn” với 10 trại giam và 2 Chuồng Cọp để hành hạ, tra tấn và giết chóc tù nhân. 

Chuồng Cọp là tên gọi mà tù nhân đặt cho khu kỷ luật, xây dựng năm 1940. Diện tích: 5.477m2, gồm 2 khu, mỗi khu có 60 phòng, phía trên có dàn song sắt kiên cố và hành lang để gác ngục kiểm soát người tù. Đối diện có 60 phòng không có mái che được bố trí làm 4 dãy, đan xen 2 dãy Chuồng Cọp được gọi là “Phòng tắm nắng”. Chuồng Cọp không có cổng chính, chỉ có lối nhỏ thông sang Banh III phụ (trại Phú Tường) và Banh III (trại Phú Thọ).

Theo Tom Harkin, sở dĩ gọi là Chuồng Cọp vì "nhà tù được xây với hàng song trần trên nóc. Cai ngục sẽ đi dọc theo hành lang bên trên để kiểm soát, theo dõi người tù nhốt trong cũi phía dưới, không khác gì thú vật. Trên hàng song sắt, các cai tù cầm sẵn những chiếc gậy dài sẵn sàng chọc xuống bất cứ tù nhân nào. Trên trần mỗi buồng giam để một thùng nước và một thùng vôi bột. Tù nhân khát, chúng đổ ào nước xuống, khi có dấu hiệu phản đối, chúng rắc vôi bột mịt mù vào mắt người trong chuồng” 

Chuồng cọp do Pháp xây dựng năm 1940, tổng diện tích 5.475 m2, diện tích phòng giam 1.408 m2, phòng tắm nắng 1.873 m2, khoảng trống 2.194 m2, có 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng). 

Các khu Chuồng Cọp thời Mỹ đã được xây dựng với kinh phí lên đến 400.000 USD và do các công ty của Mỹ thực hiện. Năm 1970, Bộ Hải quân Mỹ khi đó đã ký hợp đồng với Công ty Raymond, Morrison, Knutson - Brown Root và Jones xây dựng 384 Chuồng Cọp kiểu mới, chật nhỏ hơn những Chuồng Cọp cũ. Điều nghịch lý là tiền để xây các Chuồng Cọp mới này được trích từ chương trình U.S. Food For Peace (Lương thực vì hòa bình). Khu Chuồng Cọp với những căn hầm kích cỡ 1,5 x 2,7m. Mùa nóng các tù nhân bị nhốt từ 5-12 người, còn mùa lạnh chỉ có 1-2 người. Tất cả sinh hoạt ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện chỉ trên phạm vi đó. Tù nhân hầu như suy sụp sức khỏe rất nhanh khi vào các nhà tù biệt giam này”

Trong Chuồng Cọp, các tù nhân ở đây bị đối xử hết sức tàn bạo. Mỗi ngày họ được cho ăn hai lần vào khoảng 8 giờ sáng và 14 giờ chiều, nước cũng chỉ được uống 2 lần/ngày cùng bữa ăn. Thức ăn chủ yếu là cơm, mắm và khô với một khẩu phần rất hạn chế. Đã thế, tù nhân phải “ăn cơm nấu lõng bõng với mắm thúi, giòi bọ và khô mục đắng nghét. Chén đũa để trong thùng đất cát bụi bặm, cho bầy chó liếm đi liếm lại rồi sớt cơm cho tù ăn”. Khi tắm, chị em gom phần nước của năm người lại cho một người tắm, luân phiên nhau năm ngày mỗi người được tắm một lần. Nước tắm cũng phải dùng lại tới ba bốn lần: nước “nhất” tắm trên đầu, nước “nhì” tay chân, cho đến nước “chót” thì đã đen ngòm. “Nước này được tận dụng tiếp để giặt đồ”. Suốt năm, tù nhân không được một cọng rau xanh nên răng bị hư hỏng nặng, tù nhân phải tìm ăn những cọng “lá cầu” (lá được phát để đi cầu) hoặc tìm ăn những con bọ rầy, bọ xít, dế chó từ bên ngoài rơi vào nhà ngục.

Năm 1962 - 1963, Mỹ - Ngụy cho xây thêm Trại V che chắn phía trước và cũng có lối nhỏ thông sang Chuồng Cọp. Thường là tù nhân bị đánh đập ngất xỉu khi đưa vào Chuồng Cọp, hoặc chuyển tù nhân từ trại giam khác vào Chuồng Cọp, gác ngục dùng dùi cui ấn trên đầu người tù, buộc phải lầm lũi bước đi không được nhìn qua lại hay ngước nhìn nơi khác. Điều này đã làm cho người tù bị mất phương hướng, không xác định mình bị giam ở trại nào. 

Chuồng Cọp 

Bên cạnh sự đói khát, tù nhân Chuồng Cọp còn bị tra tấn bằng những hình thức dã man nhất. Lực lượng dùng để đàn áp tù nhân là những “người tù trật tự”46. Họ sử dụng những hình thức tra tấn dã man như dùng gậy sắt đánh vào yếu huyệt tù nhân, dùng còng bằng sắt F8 của Mỹ với những răng khía nhọn bén để cùm chân tù nhân. Mỗi khi cử động, chân tù nhân bị đâm vào đau tận tim óc, lâu ngày, khía răng khoét sâu vào chân tù nhân khiến cho mỗi lần xoay người nằm nghiên, hoặc nằm ngửa là một cực hình cho tù nhân. Đây còn là nơi mà đế quốc Mỹ sử dụng những thủ đoạn âm mưu thâm độc nhất hơn hẳn các trại khác. Đó là khi đàn áp chúng đổ nước dơ, vôi bột, bỏ đói khát còng xiềng cá nhân, tập thể... Chuồng Cọp - như một cái lò luyện người, trở thành nỗi kinh hoàng của tù nhân Côn Đảo. Chính vì vậy, anh em tù nhân còn gọi Chuồng Cọp là những “cái mo” thật sự. Bởi lúc con người vào đây thì trắng cũng hóa thành đen, kẻ thù sử dụng tất cả mọi biện pháp tàn bạo nhất để bắt buộc người tù phải nói sai sự thật, trái với lòng mình. 

Chuồng Cọp được xem là nhà tù trong nhà tù vì nó nằm giữa 2 dãy nhà tù, mỗi dãy lại đi 1 cổng, do vậy chỉ có thể nhìn thấy những buồng giam bình thường. Nơi đây, Chính quyền Pháp và Mỹ - Ngụy giam giữ những phạm nhân chính trị quan trọng là những chiến sĩ Cộng sản kiên cường. Người tù ở Chuồng Cọp không lúc nào có được cảm giác yên thân. Bất cứ lúc nào cũng có những cặp mắt soi mói, rình mò, bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị đánh. Sáng ra đổ cầu: đánh. Trưa ra lấy cơm: đánh. Chiều lấy cơm: đánh nữa. Tối uống rượu say, chúng lôi tù ra đánh để giải sầu. Khi được thăng thưởng, chúng đánh tù để khao nhau. Khi bị cấp trên quở trách, chúng đánh để trả thù. Thấy ai còn khỏe chúng đánh cho suy kiệt; ai ốm yếu, chúng đánh cho mau chết. Trận đòn man rợ đêm 27/3/1961, tại Chuồng Cọp bọn gác ngục đã đánh chết tại chỗ 5 người: Ngô Đến, Phạm Thành Trung, Hoàng Chất, Nguyễn Công Tộc, Cao Văn Ngọc, anh Hoàng Sơn hấp hối, hôm sau tắt thở, anh Nguyễn Văn Định ngấm đòn, 16 ngày sau mới chết, anh Huỳnh Văn khi bị đánh gãy 11 xương sườn, 2 xương quai xanh; anh Phan Trọng Bình bị đánh gãy 2 xương sườn, dập 3 đốt sống. 

Mỹ - Ngụy không từ một thủ đoạn nào để đày ải đến cùng cực người tù. Mùa hè, chúng dồn chuồng, nhốt chật tới 9 - 11 người trong một chuồng (1,8 - 2,5m), chật chội và ngột ngạt. Mùa đông, chúng xé lẻ và xối nước suốt đêm, mỗi tiếng đồng hồ một lần. Đêm Chúa giáng sinh 24/12/1961, chúng đã xối 44 thùng nước lạnh xuống đầu người thợ giầy Lưu Chí Hiếu, cho đến khi anh tắt thở, lạnh cóng trong vũng nước. 

Noi gương các anh Trần Trung Tín, Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, năm người còn lại là: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh và Lê Văn Một đã kiên cường đưa cuộc đấu tranh chống ly khai ở Chuồng Cọp đến toàn thắng. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, ngụy quyền bãi bỏ việc cưỡng bức ly khai Đảng cộng sản và học tố cộng. Năm anh được tôn vinh là năm ngôi sao sáng cho toàn thể tù chính trị học tập. Noi gương các anh, noi gương Trần Trung Tính, Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc và hàng trăm đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh tại Chuồng Cọp trong cuộc đấu tranh chống ly khai, toàn thể tù chính trị câu lưu (không có án tiết) đã vươn lên đấu tranh chống chào cờ, chống toàn bộ nội quy của nhà tù. Sau cuộc tuyệt thực 23 ngày, bắt đầu từ 6/6/1964, Mỹ - Ngụy đã thanh lọc gần 500 tù chính trị câu lưu đưa về biệt giam Chuồng Cọp, để thay chỗ các chiến sĩ chống ly khai vừa được trả tự do. 

Từ 1965 tù án chính trị chống chào cờ ngụy trước đây bị giam ở hầm đá Trại II, Trại III cũng bị đưa về Chuồng Cọp. Chuồng Cọp là khu kỷ luật ghê rợn trực thuộc ban chuyên môn do tên Giám thị ác ôn Lê Văn Khương phụ trách. Số lượng tù án chống chào cờ tăng lên 180 người vào tháng 2/1967, 500 người vào tháng 10/1969 và phát triển thành phong trào đồng khởi chống chào cờ và chống khổ sai vào tháng 8/1970 với trên 4.000 người tham gia. 

Những năm 1968 - 1969, chế độ Chuồng Cọp vô cùng nghiệt ngã. Từ khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân (1968) nổ ra, Quản đốc Nguyễn Văn Vệ đã ra lệnh còng tất cả các tù nhân ở Chuồng Cọp. Tất cả bị buộc phải nằm yên trong một tư thế câm lặng. Ai ngồi dậy hay nói chuyện là bị bọn trật tự an ninh dùng sào nhọn bịt đồng từ nóc chuồng Cọp thọc xuống trấn áp. Vệ còn ra lệnh bớt cơm, bớt nước, không cho tắm giặt, 3 tháng không cho ăn rau. Tù nhân bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Các bệnh kiết lỵ, táo bón, phù thủng làm nhiều tù nhân suy sụp cơ thể, teo cơ, bại liệt, không còn đứng lên nổi bằng đôi chân của mình. Các yêu sách đấu tranh của tù nhân đều được trả lời bằng đòn roi và vôi bột. 

Mỹ - Ngụy còn dựa vào đặc điểm sinh lý của phụ nữ để đặt ra những hình phạt man rợ, thú tính: phạt không cho đổ thùng cầu, không cho tắm rửa, không cho nước vệ sinh. Đến kỳ có kinh, các chị phải xé ống quần làm băng vệ sinh, rồi dùng nước tiểu của mình mà giặt. Khi hết cả những mảnh quần áo rách, các chị phải ở truồng, ngồi xổm trên mảnh ni lông, lâu lâu lại trút vào thùng cầu. Chuồng Cọp chính là nơi phơi bày những tội ác man rợ, thú tính, ghê tởm của Mỹ - Ngụy. Chính vì thế mà loài người đã phải bàng hoàng kinh ngạc, đau đớn sững sờ khi một phần sự thật về Chuồng Cọp Côn Đảo được phơi bày trước dư luận Quốc Tế. 

Ngày 7/7/1970, nhiều hãng thông tin phương tây như UPI, AP (Mỹ), AFP (Pháp), Roitơ (Anh)... đã đưa một loạt tin tức, hình ảnh từ cuộc họp báo của 2 dân biểu Mỹ Augustus Hawkins và Wiliam Anderson cùng nhà báo Don Lucc vừa tận mắt chứng kiến thực trạng kinh khủng mà những người tù chính trị đang phải chịu đựng ở Chuồng Cọp Côn Đảo. Trong lời tường thuật trước giới báo chí, hai dân biểu Mỹ khẳng định rằng, các ông đã tận mắt thấy: 

“Khoảng 500 người trong các Chuồng Cọp...có những tu sĩ Phật giáo...Có nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có cả những bà già bị mù mắt... Họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hòa bình...Họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt như những con vật trong các Chuồng Cọp...Họ bị nghẹt thở vì người ta tung vôi bột vào trừng phạt họ...Trong 7 tháng họ chỉ được ăn rau chỉ có 3 lần...Nhiều người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được nữa...Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy...” 

Dân biểu Anderson đã chỉ trích các nhân viên của cơ quan AID của Mỹ làm nhiệm vụ cố vấn cho chính phủ Việt Nam và chế độ nhà tù. Dân biểu Hawkins, một trong 12 thành viên của Ủy ban điều tra Hạ nghị viện Mỹ đến Việt Nam đã tuyên bố từ chức để phản đối Ủy Ban này đã bưng bít sự thật về tội ác của cố vấn Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn tại Côn Đảo, nhất là trong các Chuồng Cọp. Hawkins cho biết, trong bản báo cáo dày 70 trang của Ủy ban này, chỉ có một đoạn nói về nhà tù Côn Đảo. Lời tố cáo của 2 dân biểu Mỹ là xác đáng, tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ về sự thật tội ác của Mỹ - Ngụy mà hai ông tận mắt chứng kiến. Song sự thật tội ác ấy đã thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ và nhân loại tiến bộ, rằng chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác và sự nhơ bẩn của hàng chục tỷ đô la viện trợ mỗi năm để bảo hộ cho một chính quyền tay sai tàn bạo, phi nhân tính. 

Trung tuần tháng 7/1970, trước áp lực của dư luận, Mỹ - Ngụy buộc phải dỡ một phần mái ngói, đập phá giàn song sắt và vách ngăn Chuồng Cọp II. Chúng đưa các đoàn phóng viên ra quay phim, chụp hình và tuyên truyền rằng “Không có vấn đề Chuồng Cọp - Đó chỉ là ảo ảnh dưới thời thực dân Pháp (?!)”, mặc dù những tội ác rùng rợn từng làm cho cả thế giới phẫn nộ, diễn ra tại nơi mang danh “Chuồng Cọp Pháp” này chỉ thật sự bắt đầu từ các thủ đoạn tố cộng, diệt cộng thời Mỹ - Ngụy. 

Côn Đảo là một hệ thống nhà tù lớn nhất ở Đông Nam Á được xây dựng từ thời thực dân Pháp (3/1862), để lưu đày, tra tấn những người cách mạng Việt Nam. Trong đó, Chuồng Cọp được xem là khu vực giam giữ, tra tấn tù nhân dã man nhất. Nơi đây được xem là “địa ngục trần gian” của các tù nhân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ Ngụỵ. Trong hệ thống nhà tù, Chuồng Cọp được xem là khu vực giam giữ, tra tấn tù nhân dã man nhất. Đến Côn Đảo, viếng thăm Nhà tù - Chuồng Cọp, sẽ không cầm được nước mắt trước sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho nền độc lập tự do hôm nay. 

Ngày 29/4/1979, di tích Chuồng Cọp Pháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 54-VHTT.QĐ đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TT xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.