Công viên, đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu
Võ Thị Sáu, 519 ĐT44A, TT.Đất Đỏ, Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 30 phút
- Giới thiệu
- Ngôi nhà lưu niệm về nữ liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang Công an Nhân dân Võ Thị Sáu thật đơn sơ, khiêm nhường kề bên Quốc lộ 55 (Tỉnh lộ 23 cũ), cách thành phố Bà Rịa khoảng 12 km và cách thành phố Vũng Tàu khoảng 30km về phía Tây, thuộc thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Di tích lịch sử Nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu được công nhận là Di tích Lịch sử - lưu niệm theo QĐ số: 199VH/QĐ ngày 06/12/1989 - Bộ Văn hóa - Thông tin.
Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo tại xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ. Thân sinh ra chị là cụ ông Võ Văn Hợi (1896-27/08/1971) làm nghề đánh xe ngựa và cụ bà Nguyễn Thị Đậu (1898 – 25/06/1973) bán bì bún – chả giò tại chợ Đất Đỏ. Mỗi buổi sáng Chị Sáu dậy sớm cho ngựa ăn, sau đó phụ má gánh đồ ra chợ bán.
Đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm các địa bàn tại tỉnh Bà Rịa lần thứ hai, trong đó có Đất Đỏ. Chị Sáu lúc ấy cũng vừa tròn 13 tuổi, với bản chất thật thà, hiền lành và chất phát, yêu quê hương, đất nước, nên khi nhìn thấy những cảnh giết người, cướp của tàn bạo của bọn lính Pháp, trong lòng chị đã hình thành một ý chí căm thù mãnh liệt, sâu sắc bọn thực dân xâm lược.
Mùa thu năm 1947, chị Sáu tròn 14 tuổi đã gia nhập vào đội Công an xung phong tại quận Đất Đỏ. Một người con gái trẻ tuổi dáng người nhanh nhẹn, mưu trí, thông thạo địa hình, can đảm là một chiến sĩ trinh sát và quả cảm. Chị luồn sâu vào vùng quê bị tạm chiếm, từ Đất Đỏ đến Phước Hải, luôn thay hình đổi dạng. Khi đóng vai người đi chợ, khi lại làm thợ cấy, thợ gặt. Nơi nào đội Công an xung phong chuẩn bị về hoạt động là Chị đến trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch. Nơi nào có địch, Chị báo về hoặc để ám hiệu ở nơi quy định. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chị rất mưu trí, lanh lẹ và chị luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Ngày 14/7/1948, đội Công an xung phong được lệnh phá cuộc mitting kỷ niệm Quốc Khánh nước Pháp. Khi xe tỉnh trưởng vừa tới, bọn lính lùa đồng bào vào sân thì chị Sáu liệng lựu đạn về phía khán đài, giải tán cuộc mitting tại chợ Đất Đỏ.
Sau lần chết hụt đó, tên cái tổng trao giải thưởng cho những ai bắt được Chị Sáu. Đầu năm 1950, không khí chợ tết nhộn nhịp hơn trước, Chị Sáu mặc bộ đồ bà ba cũ, chân đất như một cô thôn nữ, đi lẫn trong dòng người tay xách, nách mang vào chợ. Mọi người chen nhau mua, chẳng ai để ý đến cô bé nhỏ nhắn cứ đi hết hàng này qua hàng khác mà chưa mua gì. Đợi chợ vắng thưa người, tốp lính vừa ra khỏi cổng chợ, Chị ném thẳng trái lựu đạn vào tốp lính. Chớp lửa xanh lè, tiếng nổ chát chúa, tốp lính giãy giụa bên vũng máu. Lúc này bọn lính ở trong đồn ùa ra, hai tổ Công an xung phong nổ súng yểm trợ, giải vây. Chị ném tiếp trái lựu đạn thứ hai nhưng nghiệt ngã thay, trái lựu đạn này lép, không nổ, Chị bị bắt.
Chị Sáu đã sa vào tay giặc, hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của Chị, sau đó bọn chúng đưa Chị về giam giữ ở khám Chí Hòa tại Sài Gòn. Trong tù, Chị Sáu được các chị tù nhân khác dạy học chữ, học viết, học hát, học múa, học thêu thùa. Và khi bị tra tấn phải đối phó, khai ra sao, khi cần phải chết, biết chọn một cái chết cho xứng đáng.
Mặc dù bị địch giam giữ nhưng Chị Sáu vẫn tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và cùng các chị, em trong tù đấu tranh buộc địch phải cải thiện cuộc sống trong nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt và không nao núng của chị Sáu cùng những đồng chí trong tù, dù không đủ bằng chứng nhưng tháng 4/1951, thực dân Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra toàn án binh kết án tử hình. Bản án tử hình người con gái vừa bước qua tuổi vị thành niên đã làm xôn xao dư luận lúc đó. Vì vậy, chúng không dám xử Chị tại đất liền mà lén lút đưa chị ra Côn Đảo xử bắn.
Ngày 21/01/1952, thực dân Pháp đưa Chị ra Côn Đảo. Chị chỉ có một đêm duy nhất giam tại Xà Lim (Sở Cò). Đêm ấy, Chị đã hát suốt đêm, những bài ca hào hùng, một giọng hát trẻ trung, sôi nổi làm cả đảo cùng thổn thức.
Là người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, trung thành, chị Võ Thị Sáu vinh dự được Đảng Ủy nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức vào ngày 22/01/1952.
Vào lúc 04 giờ sáng ngày 23/01/1952, tại Văn phòng Giám thị trưởng, Võ Thị Sáu đã kiên quyết từ chối lời đề nghị rửa tội của viên cố đạo: “Tôi không có tội! Nếu muốn rửa tội, xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây”.
Khi được hỏi rằng trước khi chết, còn điều gì ân hận không? Chị đã bình tĩnh và hiên ngang trả lời: “ Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và tay sai bán nước”.
Linh mục đưa bàn tay làm dấu trong khi bọn lính còng tay giải Võ Thị Sáu ra trường bắn, tất cả tù nhân đã đứng dậy hát bài Chiến sĩ ca để đưa tiễn Chị. Tất cả tù nhân tại Côn Đảo không thể nào quên cái ngày đau thương đó. Khi giặc pháp đưa Chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, Chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.
“Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Ngẩng cao đầu bất khuất
Ngay trong phút hy sinh …”
Chị Võ Thị Sáu yêu cầu không bịt mắt để Chị được nhìn đất nước mình đến giây phút cuối cùng. Khi tên chánh án quay ra đọc lệnh thi hành án thì chị Võ Thị Sáu bắt đầu hát. Chị cất lời bài hát “Tiến quân ca”, bài quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Giọng Chị thiết tha, trong trẻo, vút lên ngân vang theo gió sớm.
Khúc hát vừa dứt lời, Chị hô to khẩu hiệu:
“Đả đảo thực dân Pháp!
Việt Nam độc lập muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!"
Được lệnh 7 tên đao phủ bắn loạt đạn ấy chỉ 2 viên găm vào bả vai và sườn trái, 1 viên sượt mang tai còn lại lệch ra ngoài hết. Lúc này, tên đội trưởng Lê Dương lầm lũi bước đến gí khẩu súng vào tai Chị bóp cò.
Tất cả tù nhân tại Côn Đảo lúc bấy giờ đồng loạt la phản đối:
“Đả đảo thực dân pháp
Đả đảo hành hình
Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt!”
Bây giờ mộ chị Sáu ngoài nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
Tấm bia đầu tiên dựng trên mộ Chị Sáu do kíp tù làm thợ hồ (Khám 2, banh 1) đúc xi măng, bia dựng ngay tối hôm chị Sáu hy sinh. Ngay hôm sau, chúa đảo Jatty đích thân dẫn lính lên đập nát tấm bia, cào bằng ngôi mộ. Lạ thay, sau một đêm ngôi mộ lại được đắp cao hơn trước đúc tấm bia bằng xi măng giống hệt như trước. Tốp lính lại đập phá, không hiểu sao cứ mỗi lần chúng đập phá thì ngôi mộ và tấm bia lại hiện lên y chang như trước. Cũng không ai nhớ rõ có bao nhiêu tấm bia dựng lên trên mộ Chị, những tấm bia khác cứ thay phiên nhau mọc lên từ xi măng, đất nung, bằng đá, bằng gỗ, bằng tôn, đặc biệt có cả tấm bia được chạm trên cẩm thạch đặt từ một cơ sở chuyên tạc bia có tiếng ở Chợ Lớn chở ra. Đó là lòng ngưỡng mộ của tù nhân và dân đảo đối với người con gái mà họ đã phong thần.
Chị Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất, một người con gái gang thép, một người con gái dũng cảm. Ngày 02/08/1993, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Quyết định số 149 – KT/CTN; Ngày 13/08/1993, Huân chương chiến công hạng Nhất tại Quyết định số 153 – KT/CTN của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình).
Đó là tấm gương sáng của Chị để lại cho chúng ta noi theo, chúng ta càng trân trọng và biết ơn công lao to lớn của Chị Sáu, chúng ta nguyện tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chị, cùng nhau ra sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 1975, khu công viên này được chế độ Ngụy quyền Sài Gòn đặt làm trụ sở Chi khu cảnh sát quận Đất Đỏ, là nơi giam cầm đàn áp lực lượng cách mạng và đồng bào nhân dân Đất Đỏ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất Đất nước (30/04/1975), Chi khu cảnh sát quận Đất Đỏ được giữ nguyên làm trụ sở của phòng Công an huyện Long Đất.
Vào năm 1982, để tưởng nhớ đến công lao to lớn của anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu – nữ anh hùng được sinh ra và lớn lên trên quê hương Đất Đỏ, Đảng bộ và nhân dân huyện đã xây dựng nơi đây thành Công viên tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, công trình được khởi công từ năm 1982 đến năm 1985 mới chính thức hoàn thành và bức tượng anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu làm bằng thạch cao.
Đến năm 1986, Đảng bộ và nhân dân huyện mới dựng tượng bằng đồng do nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh và các thợ đúc có tiếng của tỉnh Bình Dương thực hiện, tượng cao 6m đặt trên bệ bê tông cao 2m và đặt tại trung tâm khu công viên.
Năm 2001-2003, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Đất cho xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ngày sau tượng đài, nguồn vốn ngân sách huyện và Bộ Công an đóng góp 800 triệu, tổng diện tích xây dựng là 960 m2 chia làm thành 2 tầng 1 trệt và 1 lầu, trên tầng lầu trưng bày các hiện vật và tư liệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chị, tầng trệt thì làm phòng khách, phòng bảo vệ và phòng hướng dẫn.
Năm 2012, Đảng bộ và nhân dân đã trùng tu và sửa chữa, trong đó xây mới bức phù điêu với tổng số vốn gần 450 triệu đồng. Năm 2018, đã trùng tu, sửa chữa, sơn mới công trình công viên tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.