Skip to content

Di tích danh thắng Chùa Niết Bàn Tịnh Xá

66/7 Hạ Long, phường 1, thành phố Vũng Tàu

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
1 giờ
Giới thiệu
"Mang trong mình khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với làn nước trong xanh của Bãi Dứa, lại cất giữ trong lòng nhiều điều tuyệt vời, Niết Bàn Tịnh Xá là một thắng cảnh nổi tiếng của Vũng Tàu được rất nhiều người ở mọi miền đất nước mến mộ và ước mong được một lần vãn cảnh, chiêm bái. Di tích LS-VH Niết Bàn Tịnh Xá được công nhận là Di tích LS-VH kiến trúc - nghệ thuật theo QĐ số: 1987/VH-QĐ, ngày 14/12/1989 Bộ VHTT"

Niết Bàn Tịnh Xá được khởi công xây dựng năm 1969, đến năm 1974 mới hoàn thành. Công trình đồ sộ gồm nhiều phần, nhiều cấp, tọa lạc trên diện tích gần 10.000m2 này người ta cần phải mất đến 5 năm để xây dựng.

Lối lên Niết Bàn Tịnh Xá rộng, dọc theo triền dốc là các bức phù điêu nằm ở phía tay phải khắc họa cảnh lịch sử Đức Phật Thích Ca từ lúc Đảng Sinh – xuất gia thành đạo, chuyển pháp luân, hóa độ chúng sinh đến khi Nhập Niết Bàn. Cổng chính nổi bật với bốn chữ Hán: Niết Bàn Tịnh Xá. Hai trụ cổng được khắc đôi câu đối:

Niết Bàn thị hiện, độ chúng niệm Phật tâm thông, chân giải thoát.

Tịnh xá quang minh, vô lậu giác ngộ chánh pháp, hiển Như Lai. 

Phía trong là hai khối tượng ông Thiện và ông Ác đứng trông cửa cao lớn. Bên phải cổng có một bức phù điêu, rộng 2 mét, cao 4 mét chạm hình long mã, đầu rồng, chân ngựa bước trên sóng nước, phía trên là chim hạc bay múa trong mây. Du khách nên dừng chân ở bức phù điêu được thực hiện bằng kỹ thuật ốp mảnh sứ men trắng vẽ lam, (một kỹ thuật khá thịnh hành ở các chùa miếu, lăng tẩm Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), chiêm ngưỡng các hoa văn rực rỡ nhưng trang nhã và sống động được các nghệ nhân xưa kỳ công chọn lọc, lắp ghép.

Đối diện với bức phù điêu và phía trước chính điện Niết Bàn Tịnh Xá là trụ phướn thanh toát cao 21m, gồm 42 bậc. Trụ phướn như một nhành hoa vươn lên trời xanh, với cành được ốp gạch men màu vàng đỏ, hoa là ba nhánh bông sen tỏa đều ra ba hướng. Cành hoa này là một nét độc đáo của Niết Bàn Tịnh Xá.

Sau 37 bậc Tam cấp, quan khách sẽ lên đến Chính điện. Thắp nhang lễ Phật xong, điều tuyệt vời nhất là được nhìn ngắm báu vật của Niết Bàn Tịnh Xá. Đó là chiếc lư đồng Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng) có kích thước lớn, được trang trí rất khéo léo, công phu.

Và chắc chắn, không ai có thể rời mắt khỏi bức tượng Phật nhập Niết Bàn dài 12 mét nổi bật giữa Chính điện. Tượng Phật nằm nghiêng nhìn về hướng Tây, đầu gối lên tay phải, đầu quay về hướng Bắc, chân duỗi thẳng hướng Nam, theo tư thế của Đức Phật khi nhập Niết Bàn trên tảng đá tại Kusinara trong truyền thuyết. 

Đức Phật đã bình yên đi vào cõi Niết Bàn, nơi được người đời miêu tả bằng quang cảnh thiên nhiên xanh tươi, nổi bật nhất là hai cây Long Thọ xum xuê nhiều tầng, nhiều lớp, những con công, con hạc dang rộng cánh ẩn hiện trong mây, những con sư tử, con hổ, con khỉ phủ phục chầu Đức Phật viên tịnh… Tất cả đều được đắp nổi, chạm khắc công phu với màu sắc hài hòa, tạo nên khung cảnh vừa trang nghiêm vừa sống động. 

Phía sau chính điện là “Trai Đường” của Chư Tăng. Trong phòng có treo 34 bức ảnh diễn tả lại cuộc đời Đức Phật, từ khi sinh ra đến khi các đệ tử chia nhau Xá lợi, như gửi gắm đến Đức Phật một tình cảm luyến thương, đầy tôn kính… 

Dựa vào thế núi, Niết Bàn Tịnh Xá tọa lạc trên nhiều độ cao khác nhau, vì vậy theo các bậc Tam cấp, khung cảnh cứ dần mở ra nhiều điều thú vị, bất ngờ. Đó là Điện thờ Phật Tổ với ba bức tượng Phật Thích Ca ngồi thiền rất lớn với lớp sơn son thếp vàng hòa trong ánh nắng của biển trời khiến ba bức tượng ánh lên rực rỡ, tỏa sáng toàn khu điện. Khi bạn đang được hòa vào những vầng sáng tuyệt diệu đó, hãy thả hồn về đất Phật qua bức tranh Đức Phật ngồi dưới tán cây Bồ Đề, chiêm bái tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, tượng Tổ sư Đạt Ma; rồi suy ngẫm Tây Phương tiếp dẫn ở hai bên là các bức phù điêu thuyền bát nhã – Phật A Di Đà cùng thánh chúng phổ độ chúng sinh rất huyền diệu sinh động. 

Tiếp tục theo các bậc thang, quý khách sẽ rất thích thú khi bất ngờ được đặt chân trên một mặt bằng rất rộng lấn sâu vào thành núi. Không gian thoáng đạt đầy gió biển này như một món quà mà Niết Bàn Tịnh Xá dành tặng cho du khách. Đó là nơi ta có thể dõi tầm mắt ngắm biển khơi và ngắm Bãi Dứa bọt tung trắng xóa ở đằng xa.

Thấp thoáng sau những chậu cảnh mỹ thuật trên sân là thuyền Bát Nhã tượng trưng cho trí huệ Phật Giáo, là một con rồng lớn cách điệu được dày công trang trí và rất đẹp với ý nghĩa “Thuyền Phật độ chúng sinh qua giác nạn” (giúp chúng sinh tới bến bờ hiểu biết).

Rồi từ khung cảnh trời biển non nước hữu tình mà khoảnh sân đang mở ra ấy, ta có thể bị lạc bước vào cánh rừng phổ đà, nơi Hoàng tử Siddharta bắt đầu khoác chiếc áo vàng của tu sĩ, bước vào cuộc đời tu hành khổ hạnh khi mới 29 tuổi. Cánh rừng được thể hiện công phu đến từng chi tiết; hoa lá, chim muông và nhiều tượng voi, ngựa rất sống động, thật sự là một tác phẩm nghệ thuật.

 Với du khách thưởng ngoạn, Niết Bàn Tịnh Xá luôn luôn tạo nên sự hấp dẫn nhờ vào hệ thống tượng thờ rất đa dạng, phong phú, không đơn điệu như một số chùa chiền khác. Đó là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở tư thế đứng cao 3 mét, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở tư thế ngồi, tượng Địa Tạng Vương cưỡi kỳ lân, tượng Hồng Hài Nhi đứng trên tòa sen, tượng Long Nữ, tượng thần Diêu ngậm chuỗi hạt chầu Phật Quan Âm trên cảnh núi Phổ Đà thác đá chảy và khóm trúc trên núi đá… được bài trí không theo sự ràng buộc sự cân xứng nào trong các điển tích Phật giáo, tạo cảm giác các vị Thần Phật ấy rất gần gũi với chúng sinh.

Khung cảnh thực thực hư hư ấy càng thêm quyến rũ lòng người khi được đắm chìm, ngân nga theo tiếng chuông Đại hồng chung. Đây là tiếng chuông âm vang nhất, hay nhất trong các chuông chùa hiện có ở Vũng Tàu. Đại hồng chung được đúc bằng đồng, cao 2,8m, chu vi 3,8m nặng tới 3500kg cũng là chiếc chuông lớn nhất và nặng nhất ở Vũng Tàu hiện nay.

Niết Bàn Tịnh Xá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu hướng ra biển với cảnh trí khoáng đạt, nên thơ, với lối kiến trúc hiện đại độc đáo, giữ bên trong nó là nhiều giá trị văn hóa Phật giáo và còn là một thắng cảnh nổi tiếng của Vũng Tàu được rất nhiều người ở mọi miền đất nước mến mộ và ước mong được một lần đến vãn cảnh, chiêm bái.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.