Skip to content

Di tích Lịch sử Văn hóa Kiến trúc nghệ thuật đình thần Long Điền

Dương Bạch Mai, TT. Long Điền, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
1 giờ
Giới thiệu
Đình thần Long Điền là ngôi đình cổ nhất ở huyện Long Điền, được xây dựng vào đời vua Thiệu Trị, khoảng năm 1845. Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, dựa vào tập tục của người Việt lúc mới khai hoang, lập ấp trên một vùng đất mới thì việc đầu tiên là họp chợ để phục vụ nhu cầu đời sống vật chất. Kế tiếp là dựng đình để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần (tâm linh), đồng thời làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Đình thần Long Điền đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm.

Đình thần Long Điền còn có tên gọi là đình Long Phượng vì được xây dựng trên địa bàn thôn Long Phượng xưa. Đình tọa lạc ở vị trí khá đẹp, trên gò đất cao hình mu rùa, người xưa gọi là Gò Đồn. Hiện đình nằm trên địa bàn khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền. Toàn bộ khuôn viên đình nằm trong một vòng tường bao hình chữ nhật, ẩn mình giữa màu xanh của rừng cây cổ thụ có hơn trăm tuổi gồm các loại gỗ quí như: dầu, sao, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương... quanh năm sum suê, tỏa bóng mát rượi. Cổng mở ra phía Bàu Thành lộng gió, từ đây du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa tươi xanh, vườn cây ăn trái, làng quê trù phú, thanh bình.

Về niên đại xây dựng đình thì hiện không có tư liệu nào ghi chép. Song theo các vị cao niên thì đây là ngôi đình cổ nhất của Long Điền. Theo lời kể, Đình thần Long Điền xây cất cùng thời với chùa Long Bàn. Trên cột xiên của đình có khắc dòng chữ Hán được phát hiện khi sửa chữa có ghi “Thiệu Trị ngũ niên tạo” (Xây dựng năm thứ 5 vua Thiệu Trị - 1845). Căn cứ vào tư liệu quý giá này thì đình thần Long Điền được xây dựng vào năm 1845. Thuở đầu đình được dựng bằng danh mộc trên nền một thành lũy cổ, chứng tích còn lại sau đình là bức tường dài 50m, cao 3m xây bằng đá ong tô vôi, giữa tường có vọng lâu cao, dưới là cổng, di tích này chứng tỏ là thành lũy của người Cao Miên, sau đó nhà Nguyễn sử dụng, hiện còn sót lại cho đến ngày nay. Trong Đại Nam nhất thống chí còn ghi chép: “lũy cũ Phước tứ, ở phía đông trạm Biên Phước thuộc địa phận Phước An. Xưa người Cao Miên là Bô Tâm đắp lũy đất ở địa đầu Hưng Phước, trồng tre gai, thế rất kiên cố (…) các đời sau vẫn theo thế lấy làm đồn trọng yếu của Đạo Hưng phước, bờ tre và nên cũ nay vẫn còn có thể nhận được dấu vết”. Đây là chứng tích quan trọng cho thấy đình xây trên nền cũ của thành lũy xưa và vẫn giữ nguyên bức tường bao cho khuôn viên đình.

Trải qua hơn 150 năm, Đình thần Long Điền đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng lớn nhất vào năm 1900 do hư hỏng nặng đình được làm lại hoàn toàn mới với quy mô bề thế hơn, bằng chất liệu gạch, đá, xi măng, mái lợp ngói. Năm 1945 do chiến tranh tàn phá và “tiêu thổ kháng chiến”, đình bị thiêu hủy, cho đến năm 1958 đình mới được tôn tạo lại như hiện nay. Kiến trúc đình thần Long Điền gồm: cổng, tấm bình phong, nhà võ ca, chánh điện, nhà hậu, ngoài ra còn có nhà thờ Tiên sư, nhà trù và miếu thờ Thần Nông nằm riêng biệt. Tại Chánh điện ở bàn thờ trung tâm chỉ thờ chữ Thần bằng chữ Nho, là nơi thờ Thành Hoàng, hai bên là bàn thờ Tả ban và Hữu ban. Trong bài văn tế cầu an của đình vị Thành Hoàng được nhắc đến là “Thống kiểm soát nhân gian thiên hạ Đô Đại Thành Hoàng Đại vương” theo các vị kỳ lão cho biết, trước đây đình còn lưu giữ được sắc phong nhưng do chiến tranh tàn phá đình bị cháy vào năm 1946 nên hiện nay không còn. Trong đình Long Điền còn lưu giữ nhiều bàn thờ, bao lam, cửa võng, hoành phi, câu đối… được chạm khắc, sơn son thếp vàng hết sức công phu, bởi các bàn tay nghệ nhân hết sức khéo léo tài hoa. Bằng phương pháp chạm lộng, chạm thủng trên chất liệu gỗ nhưng các nghệ nhân đã tạo nên những hình ảnh điêu khắc hết sức sống động: lưỡng long chầu nguyệt, mai, lan, cúc, trúc, dây nho…

Quần thể kiến trúc đình thần Long Điền hợp thành chữ Đinh gồm: cổng tam quan, nhà võ ca, chánh điện, bên cạnh là nhà tiên sư và nhà trù và ngay bên cạnh đình là miếu Thần nông… nằm trong một khuôn viên đình có 169 cây cổ thụ tạo nên một không gian thoáng mát, tĩnh lặng cho ngôi đình.

Hàng năm đình thần Long Điền tổ chức lễ hội Kỳ yên vào ngày (16, 17, 18 tháng 2 âm lịch) với các lễ chính: Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Tiền hiền, Hậu hiền… Lễ Kỳ yên được xem là lễ lớn hàng năm gắn liền với lễ hội nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà bình an, no đủ… của cư dân nông nghiệp. trong ngày lễ lạc dân làng tụ họp cúng bái thần linh, vui chơi xem hát.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình Long Điền vẫn bảo lưu các nghi thức lễ hội truyền thống của cư dân nông nghiệp xưa và ngày nay đình vẫn là chốn sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng Long Phượng. Tồn tại trên 150 năm, đình Long Điền cùng với những di tích cổ khác: chùa Long Bàn, chùa Long Hòa, đình thần Hắc Lăng… trở thành những dấu tích, những chứng tích lịch sử quan trọng về quá trình khai hoang, lập ấp tạo lập xóm làng của lớp người Việt đầu tiên ở Long Điền và được giữ gìn, di dưỡng tinh thần qua bao thế hệ đến ngày hôm nay.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.