Skip to content

Di tích lịch sử cách mạng Nhà tròn Bà Rịa

113 Hai Mươi Bảy Tháng Tư, Phước Hiệp, Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
30 phút
Giới thiệu
Nhà Tròn là tên gọi quen thuộc nhân dân Bà Rịa để gọi tên tháp nước hay lầu nước (Chatoau deau) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ nhằm mục đích sử dụng cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Nhà Tròn đã từ lâu trở thành biểu tượng thân quen, gần gũi vì đã từng chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của quân dân Bà Rịa. Di tích lịch sử cách mạng Nhà Tròn - Bà Rịa được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng theo QĐ số: 112VH/QĐ ngày 05/06/1987 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Nhà Tròn là tên gọi quen thuộc nhân dân Bà Rịa để gọi tên tháp nước hay lầu nước (Chatoau deau) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ nhằm mục đích sử dụng cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.

Trải qua gần thế kỷ, Nhà Tròn vẫn giữ nguyên vẻ ban đầu như một nhân chứng của các sự kiện trọng đại dân tộc và của thành phố Bà Rịa nói riêng. Nhà Tròn là tháp nước cao 20m, với 8 trụ đứng, đường kính gần 8m, có 3 ống dẫn nước. Nằm ngay vị trí giữa trung tâm, là giao điểm của các trục đường Cách Mạng Tháng 8 và 27 tháng Tư. Nhà Tròn đã từ lâu trở thành biểu tượng thân quen, gần gũi với nhân dân Bà Rịa, nơi đây thật sự trở thành di tích lịch sử nổi tiếng vì đã từng chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của quân và dân Bà Rịa.

Năm 1945, sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật cho đặt một bộ hệ thống loa báo động gồm 6 cái bên dưới bồn nước (nay vẫn còn). Hiện nay, Nhà Tròn có thêm các loa truyền thanh của đài truyền thanh huyện Châu Thành. Chung quanh Nhà Tròn là một loạt các công sở, biệt thự do Pháp xây dựng với các đường nét kiến trúc cổ như: Hội đồng xã Phước Lễ (nay là Ủy ban nhân dân thành phố Bà Rịa), nhà dành riêng cho sĩ quan. Năm 1954, nơi đây là trụ sở của Thanh niên tiền phong Bà Rịa (nay là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành). Bungalow, nơi ăn uống vui chơi dành riêng cho sĩ quan gần giống như khách sạn (nay là Công đoàn huyện Châu Thành), trụ sở sĩ quan gần giống như khách sạn (Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện Châu Thành). Hai dãy phố chạy song song Nhà Tròn, cùng với chợ cũ, bến xe đối diện với Nhà Tròn về phía sông Dinh là Trung tâm thương mại sầm uất thời bấy giờ.

Dưới chân Nhà Tròn có một nhà bát giác, cạnh dài 6m, cao 4m, bao quanh 8 trụ đứng Nhà Tròn. Trong thời Mỹ Ngụy, ngôi nhà này là trụ sở của cục cảnh sát thị trấn Bà Riạ. Sau giải phóng do hư hại vì pháo đạn có tu sửa lại.

Trong những ngày sôi động, cướp chính quyền mùa thu 1945, chính nơi đây khu vực Nhà Tròn đã chứng kiến ngày lịch sử vẻ vang, đổi đời của nhân dân Bà Rịa, đó là ngày 25/8/1945. Một cuộc mít tinh trọng thể chào mừng ngày chính quyền về tay nhân dân, chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên ra mắt công chúng.

Cùng với khí thế sôi sục của cả nước trong cao trào tổng khởi nghĩa sôi sục, quân dân Bà Rịa với sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa địa phương đã tích cực, ráo riết, chuẩn bị chờ đón ngày lịch sử trọng đại, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai phong kiến. Với sức mạnh như nước vỡ bờ, những dòng người từ khắp các nơi nô nức kéo về thị xã đủ các thành phần giai cấp, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, trí thức, công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh, cả binh lính…cùng các khẩu hiệu, phù hiệu bằng cờ… đủ các loại vũ khí từ sung, tầm vông vạt nhọn đến gương giáo, búa, ná, tên, cuốc, xẻng rầm rộ trên các hướng, ngã đường trục lộ dẫn về thị xã từ 2, 3 giờ sáng ngày 24/8/1945; những đèn chải, đèn chụp, đèn lòng, đuốc tranh, đuốc nứa chạy đèn sáng rực cả bầu trời ngày hội, những tiếng trống, tiếng mõ, tiếng còi, tiếng hát, tiếng chào hỏi…quyện vào nhau.

Trong bầu không khí sôi động, những đoàn người dày đặc, chỉnh tề cuồn cuộn kéo đi, biểu ngữ băng cờ lớp lớp, cùng với những tiếng hô vang dội: "Đả đảo phát xít Nhật", "Đả đảo đế quốc phong kiến", "Đả đảo thực dân", "Việt Nam độc lập muôn năm", "Chính quyền cách mạng muôn năm", "Tự do, cơm áo, hòa bình muôn năm", hòa lẫn trong tiếng hát của những bài ca hùng tráng vang vọng mãi non sông "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng", "Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi".

Cả thị xã và ngoại vi, với cờ sáo biểu ngữ oai hùng, các đoàn người tập trung chỉnh tề khung cảnh thật trang nghiêm. Tất cả hướng về lễ đài mới được dựng lên cùng với bàn thờ tổ quốc uy nghi giữa trung tâm thị xã, lưng dựa và lầu nước, mặt hướng về phía Long Điền. Các tự vệ chiến đấu quân Thanh niên Tiền phong cùng với anh em Cộng hòa vệ binh do ta vận động, bố trí bao quanh Tòa án tỉnh là nơi bọn Nhật đang tập trung, phòng ngừa kẻ thù có phản ứng… Trên lầu nước là các tự vệ chiến đấu quân, hàng bô lão áo dài khăn đóng, đứng cạnh bàn thờ tổ quốc trang nghiêm trịnh trọng, đứng trước lễ đài là đoàn học sinh, chung quanh là đoàn thể quần chúng các giới, các ngành, trước mỗi đoàn đều có khẩu hiệu, biểu ngữ riêng, với 2 cờ: cờ đỏ sao vàng và cờ Thanh niên Tiền Phong.

Đúng 8 giờ sáng ngày 25/8/1945 cuộc mít tinh bắt đầu, Ông Dương Văn Xà - Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Bà Rịa lên nói chuyện trước nhân dân, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân, xóa bỏ mọi quyền hành của bè lũ tay sai và phát xít Nhật. Thông báo cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công ở một số nơi: Hà Nội, Huế.. và kêu gọi tầng lớp nhân dân hãy ủng hộ chính quyền mới. Lễ chào cờ bắt đầu, hơn 1 vạn người vô cùng phấn khởi, xúc động hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang thượng đỉnh. Tiếng hát "Hành khúc Thanh niên" trỗi lên hùng tráng hàng vạn con người, có những người quá phấn khởi đưa cả nắm tay lên chào. Trước không khí thiêng liêng hào hùng đó, Tỉnh trưởng Lê Thành Long tuyên bố trao quyền cho nhân dân và tên quan ba Nhật "Sato" cam kết tôn trọng quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam. Chính quyền cách mạng Ủy ban Nhân dân lâm thời đầu tiên của Bà Rịa được thành lập. Từ nay, mọi quyền hành của bọn tay sai phản động bị xóa bỏ hoàn toàn. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay kéo dài chấn động cả thị xã, tiếp theo đại biểu nhân dân lên phát biểu ý kiến vạch trần tội ác của kẻ thù, nối tiếp nhau từng nhóm đại diện cho các đoàn thể, các ngành, các giới đứng ra trước bàn thờ tổ quốc, long trọng tuyên thệ trung thành với tổ quốc nhân dân, quyết tâm bảo vệ chính quyền, giữ vững độc lập tự do. Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy qua các đường phố thị xã. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hát lại tỏa ra vang dội khắp bầu trời tháng tám mùa thu lịch sử của dân tộc.

Ngày 25/8/1945, Nhà Tròn đã đi vào lịch sử vẻ vang của nhân dân Bà Rịa, chứng kiến sự ra đời của chính quyền nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thực sự đem lại cuộc sống độc lập tự do cho người dân, mở đầu cho trang lịch sử mới vô cùng rạng rỡ của nhân dân Bà Rịa.

Ba mươi năm sau, cũng tại khu vực Nhà Tròn mùa xuân 1975, cùng với khí thế tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam. Quân và dân Bà Rịa với tinh thần sục sôi cách mạng đã đồng loạt nổi dậy tấn công vào tận hang ổ, sào huyệt cuối cùng của địch. Với sức mạnh phi thường, chỉ sau 1 ngày đêm chiến đấu từ chiều ngày 26/4/1975 đến ngày 27/4/1975 lực lượng vũ trang đã chiếm lĩnh, giải phóng toàn bộ thị xã, chế độ Ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ hoàn toàn tan rã, khắp các đường phố, cờ mặt trận giải phóng tung bay ngạo nghễ giữa ngày xuân giải phóng. Niềm vui sướng trào dâng, mọi người hớn hở tham gia dọn dẹp đường phố, sôi nổi phát động tổ chức lực lượng quần chúng, đoàn thể cách mạng làm nòng cốt ổn định sinh hoạt, cấp tốc sửa sang lại những nơi đổ nát, phá bỏ đi những tàn tích của kẻ thù. Trong không khí vui mừng khôn xiết như để cở mở tấm lòng chào đón ngày hội non sông, những loạt súng lớn nhỏ vang dội cả bầu trời thị xã. Khu vực Nhà Tròn trong những ngày này là nơi tập trung lực lượng của ta làm bàn đạp tiến tới giải phóng thị xã Vũng Tàu.

Ngày 1/5/1975, tại đây một cuộc mít tinh trọng thể được Thị uỷ Bà Rịa kịp thời tổ chức chào mừng ngày giải phóng thị xã, giải phóng miền Nam, kỷ niệm ngày quốc tế lao động, đồng thời chào đón đoàn quân chiến thắng với các lực lượng bộ binh, cơ giới, pháo binh kéo về biểu dương lực lượng ra mắt đồng bào. Một lần nữa, từ khắp mọi nơi, người dân Bà Rịa đủ các thành phần nô nức đổ về trung tâm thị xã mừng ngày toàn thắng trên 1 vạn người với khẩu hiệu cờ xí ngợp trời tề tựu trang nghiêm trước lễ đài vừa được cấp tốc dựng lên cạnh Nhà tròn, mặt hướng về phía sông Dinh. Trước lá cờ giải phóng tung bay ngạo nghễ trên đỉnh Nhà tròn. Đồng chí Võ Văn Ấn, Trưởng ban nghiên cứu khu ủy miền Đông đọc diễn văn chào mừng ngày đại thắng, nêu ý nghĩa ngày giải phóng miền Nam, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân ổn định đời sống, kêu gọi binh lính, viên chức chế độ cũ ra trình diện chính quyền cách mạng.

Trải qua gần thế kỷ, cùng với dòng sông Dinh chảy êm đềm qua thành phố, Nhà Tròn vẫn giữ nguyên vẻ ban đầu như một nhân chứng của các sự kiện trọng đại của dân tộc. Ngày nay, Nhà Tròn vẫn đứng đó như một chứng nhân lịch sử và trở thành mái nhà cư ngụ của hàng trăm tổ én ngay dưới bồn nước lớn của tháp. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều về tổ, đàn én bay lượn, ríu rít trên tháp nước tạo nên thanh âm cuộc sống rất riêng cho thành phố Bà Rịa.

Có thể nói, Di tích Nhà Tròn trở thành một phần quan trọng của cuộc sống người dân thành phố Bà Rịa, nó không tách rời cuộc sống mà cùng hoà hợp, chứng kiến từng bước phát triển và đi lên của thành phố bên sông. Vào một dịp nào đó, khi bạn đến thành phố Bà Rịa, hãy thử một lần dừng chân tại Nhà Tròn và đừng quên chụp lại những khoảnh khắc đẹp của bạn bên Nhà Tròn nhé.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.