Ngọn Hải Đăng Vũng Tàu
01, Phường 2, Tp. Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Thuyết minh tự động
Ngôn ngữ
- Giá vé (tham khảo)
- Miễn Phí
- Thời gian tham quan (Dự kiến)
- 30 phút
- Giới thiệu
- Nằm ở trung độ Núi Nhỏ là Hải Đăng Vũng Tàu. Ngọn hải đăng tọa lạc ở độ cao 147 mét so với mực nước biển, báo hiệu, chỉ dẫn cho tàu thuyền qua lại và vào ra Cần Giờ. Ngoài giá trị tự thân về chức năng của ngành hàng hải, Hải Đăng Vũng Tàu được xây dựng ở vị trí có thiên nhiên tươi đẹp còn có một giá trị khác cho ngành du lịch của tỉnh nhà.
Ngay sau khi chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, ngày 20/3/1862, Pháp khởi công xây dựng hải đăng Vũng Tàu như một hình thức tuyên bố chiếm đóng với vùng đất này, mặt khác, kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch quốc tế qua khu vực, giúp tàu thuyền xác định vị trí, toạ độ, tránh được những bãi đá ngầm.
Hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng đầu tiên trên bờ biển Nam Kỳ, do kỹ sư Maucher - người Pháp xây dựng ở cực Nam của dãy núi Nhỏ (nơi đặt tượng Chúa Kito ngày nay) với độ cao 147m so với mực nước biển. Sau 05 tháng thi công, ngày 15/08/1862, hải đăng chính thức khánh thành. Đây là ngon hải đăng hạng nhất với kiểu dáng cổ điển có ánh sáng trắng, phạm vi chiếu sáng 28 hải lý và lên tới 33 hải lý trong điều kiện thời tiết đẹp. Vào ban ngày, hình dáng hải đăng là tòa tháp cao 8m bằng đá trắng, làm điểm mốc cho tàu bè ngoài khơi.
Ngày 29/4/1910, hải đăng Vũng Tàu được chuyển lên vị trí hiện tại, trên đỉnh cao nhất của Núi Nhỏ, cao chừng 170m so với mực nước biển. Đây cũng là nơi Pháp đặt cứ điểm quân sự. Hải đăng là một tháp tròn, xây bằng đá hộc, cao 18m, đường kính 3m, sơn màu trắng, ba mặt Đông - Tây - Nam giáp biển, phía Bắc giáp khu dân cư và trung tâm thành phố Vũng Tàu.
Trong thời kỳ chống Pháp, đội Biệt động thành phố Vũng Tàu đã hai lần tổ chức tấn công đánh sập, làm tắt đèn hải đăng vào năm 1950 nhằm ngăn chặn hoạt động vận tải quân sự đường biển do Pháp chiếm giữ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, “Đoàn tàu không số” đã dựa vào luồng sáng hải đăng Vũng Tàu để cập bến Lộc An thành công, kịp thời đưa vũ khí, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Đông, đánh thắng quân địch trên chiến trường Bình Giã (1964 – 1965), làm sụp đổ hoàn toàn “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và tay sai trên chiến trường miền Nam.
Ngày nay, hải đăng Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn trên các tuyến luồng hàng hải có mật độ tàu thuyền lưu thông lớn nhất cả nước là Sài Gòn – Vũng Tàu, Vũng Tàu – Thị Vải, góp phần phát triển cụm cảng biển số 5 nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trải qua hơn 150 năm tồn tại, hải đăng Vũng Tàu luôn là người bạn tin cậy và trung thành của người đi biển, dẫn lối những con tàu cập bến an toàn. Bên cạnh đó, hải đăng Vũng Tàu còn trở thành biểu tượng đẹp về kiến trúc - lịch sử - văn hóa, nơi du khách thập phương thường xuyên đến tham quan, chiêm ngưỡng mỗi khi có dịp đến với thành phố biển.
Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.