Skip to content

Bãi Dâu

Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Thuyết minh tự động

Ngôn ngữ

Giá vé (tham khảo)
Miễn Phí
Thời gian tham quan (Dự kiến)
1 giờ
Giới thiệu
Bãi Dâu có nhiều tên gọi khác nhau là Vũng Mây, do khu vực núi Lớn ở đây ngày trước mọc rất nhiều cây mây, nhưng tên gọi này cũng sớm cũng không còn được sử dụng, một tên gọi khác là Bãi Phương Thảo mặc dù tên gọi này rất ít được phổ biến.

Bãi Dâu là tên gọi của một bãi biển nằm ở phía Tây Núi Lớn dọc theo đường Trần Phú, cách Bạch Dinh chừng 3 km về phía Bắc. Bãi Dâu trước đây được gọi là Vũng Mây vì trên Núi Lớn thuở ấy mọc rất nhiều cây mây. Vào khoảng những năm 1930, một thương nhân người Pháp đã đến Vũng Mây lập cơ sở trồng dâu nuôi tằm. Khắp nơi trên triền núi và dọc biển Vũng Mây, cây dâu xanh mướt dần lấn lướt cây mây, vốn cũng đang bị khai thác đến cạn kiệt. Thế là theo quy luật tự nhiên, tên gọi Vũng Mây dần đi vào quên lãng, dân địa phương đã gọi bãi biển này là Bãi Dâu. Bãi Dâu về sau còn được chính quyền thị xã Vũng Tàu tỉnh Phước Tuy gọi tên là bãi Phương Thảo, như tên một người con gái duyên dáng, nhưng tên gọi này không được phổ biến.

Thuở đầu Bãi Dâu chỉ là một vịnh nhỏ bên chân Núi Lớn. Ngày nay phạm vi Bãi Dâu đã được mở rộng, bao gồm các vịnh nhỏ xung quanh Núi Lớn. Do nằm bên triền núi ăn ra sát biển, Bãi Dâu được kiến tạo thành nhiều vịnh nhỏ xinh xắn, cát trắng mịn màng, bãi tắm kín gió. Có nhiều điểm bờ biển ăn sát chân núi tạo thành những vách đá dựng đứng, sóng vỗ rì rào, bọt tung trắng xóa tạo nên cảnh sắc kỳ vĩ. Đường Trần Phú cheo leo trên vách núi là ranh giới giữa biển và núi, con đường vừa tạo sự giao thông thuận lợi vừa hấp dẫn du khách bởi độ ngoạn mục. 

Có người nhận xét rằng: Bãi Dâu có vẻ u nhàn cô tịch, hợp với những tâm hồn trầm lặng, thích tìm nơi tĩnh mịch… Có thể đó là một nhận xét đúng, vì phía trước Bãi Dâu là biển cả thanh bình và đằng sau là Núi Lớn xanh rờn cây cỏ, yên ả tĩnh lặng. Chẳng biết du khách đến với Bãi Dâu có phải vì mê đắm cảnh vật thiên nhiên nơi đây hay không, chỉ biết rằng trong suốt bốn mùa, ngày nào Bãi Dâu cũng có rất đông khách đến thả mình trong làn nước trong xanh và thỏa thích nhìn ngắm cảnh núi rừng.

Ngoài vẻ đẹp hoang sơ và một bãi tắm kín gió rất tuyệt vời cho du khách tắm biển, Bãi Dâu còn là nơi có nhiều kiến trúc tôn giáo và dấu tích lịch sử ẩn mình trong không gian trầm lặng của màu xanh Núi Lớn. Đó là Đền Thánh Đức Mẹ với tượng Đức mẹ Maria cao 7m, được khánh thành năm 1968, khuôn mặt phúc hậu nhân từ, hướng mắt nhìn ra biển. Và cách đó không xa là một công viên lớn trên sườn núi với một tượng Đức Mẹ cao trên 30 mét do hội Thiên Chúa giáo xây dựng.

Núi non luôn là nơi hội tụ của các vị thần linh, nhưng ngọn Núi Lớn Bãi Dâu rất độc đáo ở chỗ đó là nơi hội tụ của cả hai tôn giáo lớn. Bên cạnh Đền Thánh với hai pho tượng Đức Mẹ Maria là nhiều ngôi chùa Phật giáo: chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát, chùa Hưng Thắng Tự,… cùng nhiều tác phẩm tượng Phật quy mô; cả hai tôn giáo gặp nhau trên chốn cao này, cùng nhau thực hiện sứ mệnh đưa loài người hướng đến chân, thiện, mỹ.

Mỗi địa danh thường lưu luyến người đi bởi những câu chuyện truyền thuyết, nửa thực nửa hư mà nghe hấp dẫn lạ lùng. Ở Bãi Dâu, du khách sẽ được nghe người dân kể về một giếng nước ngọt chưa bao giờ cạn mà họ còn gọi một cách đầy trân trọng là giếng ngự Gia Long. Chuyện kể rằng:

Lúc Quang Trung Nguyễn Huệ truy đuổi, tàn quân Nguyễn Ánh đã rút chạy bằng đường thủy, đến bờ biển Vũng Tàu, cũng là lúc đã xa đội quân của Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh cho binh sĩ nghỉ ngơi bên chân núi Lớn, vùng Bãi Dâu ngày nay. Bán đảo Vũng Tàu lúc ấy chưa có cư dân sinh sống, bấy giờ lại đang mùa khô của Nam Bộ, không có lấy một giọt nước ngọt nào. Việc binh biến tiến thoái lưỡng nan, Nguyễn Ánh đành phải trú chân lâu dài ở Vũng Mây nhưng không có nước ngọt thì không thể sống được. Trong tình thế khó khăn, Nguyễn Ánh đã sai binh sĩ lập đàn hương án giữa trời, cầu nguyện: Tôi là Nguyễn Phúc Ánh, giữa lúc đường cùng mạt vận, lạc bước đến đây. Chúa tôi nguy khốn về nạn thiếu nước. Nếu tôi là người có sứ mạng khôi phục sơn hà thống nhất đất nước, xin ơn trên chứng giám những lời tôi nguyện ước, cắm cây gươm nơi mảnh đất thiêng này có mạch nước trào lên cứu độ trong lúc nguy khốn, còn không, đến đây đã là điểm chết, cơ nghiệp nhà Nguyễn bại vong thì lời cầu xin được linh ứng.

Nói xong Nguyễn Ánh cắm gươm xuống đất, sau khi rút gươm, một dòng nước ngọt đã tuôn trào. Binh sĩ đã đào đây một cái giếng đủ cung cấp nước ngọt cho đoàn binh Nguyễn Ánh. Câu chuyện trên được truyền tụng trong dân gian từ đó đến nay. Và người ta đã trân trọng gọi cái giếng rộng chưa đến 5 tấc, sâu chưa tới 1 mét mà nước luôn luôn đầy ắp, mát ngọt ấy là giếng ngự Gia Long. Năm 1965, Thanh Tâm Đạo viện đã vét sâu thêm và xây lại bằng gạch và xi măng. Bên cạnh cái giếng đó, không biết tự bao giờ người ta đã dựng lên miếu thờ Bà Ngũ Hành nổi tiếng linh thiêng. Truyền thuyết trên không ai kiểm chứng được bao phần thực hư, nhưng một cái giếng nước ngọt chưa bao giờ cạn ngay bên bờ biển là một điều thú vị, đáng để dân gian trân quý và truyền tụng câu chuyện về chiếc giếng Gia Long đến muôn đời.

Bãi Dâu có vị trí đặc biệt, ngay phía Đông vịnh Ghềnh Rái và trên cửa ngõ vào sông Sài Gòn. Vì vậy, từ Bãi Dâu ta có thể quan sát những đoàn tàu đầy ắp hàng hóa nối tiếp nhau vào ra sông Sài Gòn, cảng Dầu khí... Do vị trí đắc địa ấy, từ thời nhà Nguyễn, sau đó là thời Pháp và Mỹ, các nhà cầm quyền đều chú ý đến vị trí quân sự của Bãi Dâu.

Thực dân Pháp đã xây dựng ở đây một trận địa pháo để bảo vệ cửa ngõ sông Sài gòn. Sau đó phát xít Nhật cũng đóng chốt xây dựng kho vũ khí tiếp đạn và hầm thủy lôi. Và trên cao của đỉnh Núi Lớn, ngang với Bãi Dâu là ăng-ten Parapon là con mắt thần một thời của đế quốc Mỹ.

Ngày nay, tất cả các dấu tích đều chỉ để nhìn lại ghi dấu về một thời kỳ chiến tranh đã đi qua, để mỗi người hôm nay thêm trân quý hơn những ngày tháng hòa bình đang có và yêu quý hơn những giây phút được cùng người thân nô đùa trong sóng nước ở một bãi biển tuyệt đẹp, tự do vãn cảnh thiên nhiên, tự do hít thở bầu không khí trong lành ở nơi đây.

Nội dung được dịch tự động, không tránh khỏi sai sót, quý khách có thể đóng góp bằng cách gửi nội dung chỉnh sửa bản dịch thông qua bình luận, chúng tôi sẽ tổng hợp và cập nhật

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Địa điểm này.